Ngày giỗ Tổ, ngẫm về tinh thần dân tộc
Thứ Ba, 28/04/2015, 03:20 [GMT+7]
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ, mùng mười tháng ba”.
Trên thế giới không dân tộc nào lại không có những câu chuyện truyền thuyết về tổ tiên của mình, song có lẽ duy nhất chỉ có dân tộc Việt Nam là có ngày “Giỗ Tổ”. Ngày này đã trở thành “tục của dân, lệ của nước” và trở thành một sức mạnh linh thiêng, lan truyền từ đời này qua đời khác, để rồi trở thành “Quốc lễ” như ngày nay. Đức lớn của tổ tiên đã tạo ra một sức sống diệu kỳ, một sức mạnh dựng nước và giữ nước vô song cho dân tộc Việt Nam - một dân tộc mà trong suốt hơn 20 thế kỷ đã phải tiến hành tới 15 cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc để chống lại những cuộc xâm lược của các thế lực phong kiến và đế quốc, trong đó có cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài ròng rã ngót 30 năm mà dịp này chúng ta đang kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc trường chinh giữ nước vĩ đại đó.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng |
Đức lớn của tổ tiên ẩn chứa trong tiếng gọi thiêng liêng “con Hồng, cháu Lạc”; làm lay động hàng triệu con tim đồng bào cả trong và ngoài nước; hướng họ về nơi phát tích cội nguồn, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ nước và dựng xây đất nước.
Dựng nước sớm nhưng dân tộc Việt Nam lại phải trải qua một quá trình đấu tranh gần như liên tục để khỏi bị đồng hóa, để giành lại quyền tự chủ và bảo vệ nền độc lập. Trong quá trình đó, mỗi con dân đất Việt càng ý thức hơn về nguồn gốc tổ tiên mình, về trách nhiệm với Tổ quốc, với dân tộc. Cách đây hơn 60 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ và căn dặn các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi vào tiếp quản Thủ đô. Với câu nói bất hủ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, Người đã tổng kết một cách khái quát, cô đọng nhất công đức của Tổ tiên; đồng thời, chỉ rõ nhiệm vụ cho lớp “con Hồng, cháu Lạc” trong thời kỳ mới.
“Dựng nước phải đi đôi với giữ nước” vừa là một sự tổng kết khái quát lịch sử; đồng thời, cũng là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam và là một bảo pháp trong kế sách giữ nước của quốc gia. Qua lăng kính lịch sử có thể thấy từ thời Hồng Bàng đến thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều thăng trầm. Và chính từ những thăng trầm đó mà lớp lớp thế hệ đã rút ra được những bài học bổ ích, càng ý thức rõ hơn vấn đề “dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. Năm 1077, trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, để động viên, cổ vũ tinh thần của quân sĩ trong cuộc kháng chiến chống Tống, Lý Thường Kiệt đã đọc bốn câu thơ bất hủ:
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Đây được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền của quốc gia Đại Việt; thể hiện ý thức dân tộc, tinh thần giữ nước không sức mạnh nào ngăn cản nổi của “con Hồng, cháu Lạc”. Thời nhà Trần, năm 1300, trước khi lâm chung, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã khuyên vua Trần “…lòng dân không chia… Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ. Đó mới là thượng sách để giữ nước”. Còn tướng quân Trần Quang Khải, mặc dù ngất ngây trong men nồng chiến thắng giặc Mông - Nguyên vẫn bày tỏ nỗi trăn trở về nhiệm vụ đối với đất nước khi giang sơn đã trở lại cuộc sống thái bình:
Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san.
Thời Lê - Sơ, sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, nhiều đại thần, quan lại; các bậc công thần thỏa mãn với chiến công, lơ là việc nước; ăn chơi xa xỉ, chia rẽ bè cánh, ức hiếp dân lành, xa rời dân chúng… Một số lợi dụng chốn quan trường để tham ô, đục khoét, “dĩ công vi tư” gây nhiều oán thán trong xã hội. Trước thực trạng đó, Vua Lê Thái Tổ đã ban ba điều răn: “Chớ vô tình, chớ khinh nhờn, chớ gian tham” và rằng: “Muốn cho dân yên không gì bằng chỉnh đốn quan lại”, Nhà Vua coi đó cũng là phương sách để giữ nước.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, để giữ nước thành công, “đoàn kết, đại đoàn kết” được coi là thượng sách. Nếu như các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây coi vấn đề “nới sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ” thì trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tư tưởng đó đã được những người cộng sản Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới - Đoàn kết - đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh - đó là đoàn kết chẳng những các tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị, mà cả tầng lớp tư sản dân tộc, nhân sỹ trí thức; hay nói cách khác, đoàn kết tất cả những ai mang trong mình dòng máu “con Hồng, cháu Lạc” dù làm gì hay ở đâu miễn là có ý thức dân tộc, có tinh thần yêu nước.
Kế “sâu rễ bền gốc, khoan thư sức dân trong thời bình để khi nước nhà lâm nguy thì trên dưới đồng lòng” của Trần Hưng Đạo; tư tưởng toàn dân đồng lòng, muôn người như một để “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều” của Nguyễn Trãi hay chiến lược “đại đoàn kết toàn dân” của Hồ Chí Minh… suy cho cùng, đó đều là những pháp bảo để giữ nước và đều hướng đến cái đích chung: Tổ quốc trên hết, độc lập dân tộc trên hết. “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Những ai mang trong mình dòng máu “con Hồng, cháu Lạc” có dịp hoặc chưa có dịp hội tụ về đất Tổ nhưng đều một lòng hướng về cội nguồn với niềm tự hào, tinh thần dân tộc cao cả; tình yêu quê hương đất nước tha thiết; khắc sâu công đức của Quốc tổ, đúng như Bác Hồ kính yêu đã dạy “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đại tá, PGS, TS. Trần Ngọc Long
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
;