"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" mãi thắp sáng niềm tin của nhân loại cần lao trong thời đại hiện nay

Thứ Ba, 17/02/2015, 06:25 [GMT+7]
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo, được xuất bản lần đầu tiên ở Luân Đôn đến nay vừa tròn 167 năm (1848-2015). Đây là văn kiện có tính chất cương lĩnh đầu tiên của các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, dấu son lịch sử khẳng định sự ra đời của chủ nghĩa Mác - nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản và kim chỉ nam cho các phong trào cách mạng. Trải qua thử thách của thời gian, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (gọi tắt là Tuyên ngôn) đã khẳng định được sức sống bền vững, giá trị vĩnh hằng, ngọn cờ thắng lợi, mãi thắp sáng niềm tin của nhân loại cần lao trong cuộc đấu tranh tự giải phóng
mình và giải phóng toàn nhân loại.

    1. Tuyên ngôn trình bày cô đọng, sâu sắc sự ra đời, quá trình phát triển và tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản với tính cách là một nấc thang trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội 

    C.Mác và Ph.Ăngghen xuất phát từ nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử để xem xét sự hình thành, phát triển, vai trò và giới hạn tồn tại của chủ nghĩa tư bản với tư cách là một nấc thang phát triển của lịch sử xã hội. Chủ nghĩa tư bản ra đời thay thế chế độ phong kiến là bước tiến vĩ đại của văn minh nhân loại, làm cho “thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước”(1) và “giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”(2); “trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(3). Nhưng đó vẫn là sự phát triển có giới hạn do những mâu thuẫn đối kháng chứa đựng trong lòng xã hội tư bản quy định. Mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa giữa những lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa ngày càng cao với quan hệ sản xuất tư bản chật hẹp, do chế độ sở hữu tư nhân tư bản về tư liệu sản xuất quy định. Mâu thuẫn đó, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản ngày càng gay gắt. Tuyên ngôn chỉ rõ: “Xã hội tư sản hiện đại,… không xóa bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”(4).
 
    Điểm yếu chí mạng đó của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa quy định giới hạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, mặc cho giai cấp tư sản không ngừng tìm mọi cách để “cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội”(5).  Nhưng do bản chất bóc lột “công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn” của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thúc đẩy cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản bắt đầu từ lúc mới ra đời và chỉ kết thúc khi chủ nghĩa tư bản bị xóa bỏ. Sau khi Tuyên ngôn ra đời, C.Mác đã phải gác lại nhiều công việc khác để tập trung thời gian và công sức, trí tuệ để viết bộ “Tư bản” và nhiều tác phẩm khác vạch trần bản chất kinh tế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư của người lao động làm thuê là thuộc tính cố hữu của nền sản xuất đó. “Tư bản” đã chứng minh bằng các luận cứ khoa học bóc trần bản chất bóc lột giá trị thặng dư đã quy định tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản.
 
    Hiện nay, để duy trì sự tồn tại của mình, các nước tư bản phát triển đã có những điều chỉnh tích cực trong sản xuất xã hội. Về lực lượng sản xuất, các nước tư bản triệt để tận dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đưa sản xuất phát triển vào chiều sâu, tính chất chuyên môn hóa ngày càng cao, kinh tế trí thức ra đời với sự tăng lên rất nhanh của cải vật chất, đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng đa dạng. Theo đó, đời sống của người công nhân với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu ở các nước phát triển cũng được quan tâm, nâng cao mức sống, tăng cường phúc lợi xã hội… Nhưng về quan hệ sản xuất, các nước tư bản vẫn duy trì chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về nguyên tắc, còn trong hình thức tổ chức đã có những bước điều chỉnh linh hoạt các hình thức sở hữu tư bản như mở rộng chế độ cổ phần, bán cổ phiếu có giá trị nhỏ cho người lao động. Hiện tượng này đã được các nhà lý luận tư sản cho là “chủ nghĩa tư bản nhân dân, nhân đạo”, “người công nhân có cổ phần trở thành hữu sản”.
 
    Trên thực tế, mặc dù đời sống công nhân có thể ít nhiều được cải thiện nhưng địa vị kinh tế của họ vẫn không vì thế mà thay đổi; quyền chi phối xí nghiệp vẫn do các ông chủ tư bản chiếm đa số cổ phần điều hành và bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản vẫn không hề thay đổi; hố sâu ngăn cách giữa tư bản và lao động làm thuê là không thể khắc phục trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, tự do tư sản. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, sự bóc lột tư bản chủ nghĩa không dừng lại trong lòng các nước tư bản phát triển, mà còn trở nên thậm tệ hơn đối với các nước chậm phát triển, đang phát triển. Nguồn gốc sâu xa làm nảy sinh và duy trì mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại chẳng những không mất đi mà càng gay gắt hơn. Mâu thuẫn đó biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa lao động và bóc lột, vô sản và tư sản không hề mất đi, mà vẫn tồn tại và mở rộng phạm vi ra toàn cầu. Xác thịt của chủ nghĩa tư bản có thể thay đổi nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nó thì không hề thay đổi.
    
    Hiện nay, bức tranh khoảng cách chênh lệch mức sống giữa người giàu và người nghèo ở các nước tư bản phát triển ngày càng tăng; hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày càng sâu sắc, nhiều khoản nợ nước ngoài của các nước nghèo không có khả năng thanh toán; hơn một tỷ người đang phải sống dưới mức nghèo khổ, các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, các hiểm họa đe dọa sự tồn vong của loài người do chính sự tàn phá của con người đang rình rập...
 
    2. Tuyên ngôn chỉ rõ sứ mệnh lịch sử củagiai cấp vô sản hiện đại là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa cộng sản gắn liền với vai trò của Đảng Cộng sản là sự định hướng đúng đắn, sâu sắc thúc đẩy phong trào cách mạng thế giới phát triển không ngừng
 
    Từ những phân tích toàn diện, sâu sắc về chủ nghĩa tư bản, Tuyên ngôn đã đi đến kết luận: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(6). Nền sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển làm cho giai cấp vô sản hiện đại có số lượng ngày càng tăng, chất lượng ngày càng cao với những phẩm chất ưu việt đại biểu cho lực lượng sản xuất hàng đầu thế giới: Tiên tiến nhất, ý thức tổ chức, kỷ luật cao nhất, luôn có tinh thần đoàn kết, thống nhất và cách mạng triệt để nhất. Do đó, chính sự vận động của xã hội tư bản quy định giai cấp vô sản là giai cấp duy nhất đủ sức đảm đương sứ mệnh lịch sử vẻ vang là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”(7).
 
    Nhưng sứ mệnh lịch sử ấy chỉ có thể thực hiện được khi giai cấp công nhân tổ chức ra chính Đảng Cộng sản thực sự là bộ phận tiên tiến, giác ngộ nhất, trung thành và đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, của dân tộc và có lý luận khoa học dẫn đường. Tuyên ngôn chỉ rõ: “Vậy là về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng
công nhân ở các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên; về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(8)
 
    Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là có tính chất quốc tế, nhưng giai cấp vô sản mỗi nước phải hoàn thành sự nghiệp cách mạng trước hết ở dân tộc mình. Tuyên ngôn chỉ rõ, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”(9). Đó là các nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà giai cấp công nhân và lao động mỗi nước phải thực hiện sau khi đã giành được chính quyền, từng bước xây dựng chế độ xã hội mới, xã hội chủ nghĩa. Với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân có cương lĩnh cách mạng đúng đắn, tập hợp lực lượng cách mạng đấu tranh với giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản. Các tổ chức lãnh đạo của giai cấp công nhân thế giới lần lượt ra đời: “Hội Liên hiệp lao động quốc tế” - Quốc tế I (1861-1872); “Hội Quốc tế xã hội chủ nghĩa” - Quốc tế II với sự ra đời của các đảng dân chủ - xã hội ở các nước tư bản từ sau những năm 1889 đã đưa phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển ngày càng tự giác, gắn đấu tranh chính trị với đấu tranh kinh tế, đấu tranh tư tưởng, lý luận phát triển ngày càng sâu rộng. Chủ nghĩa cộng sản từ chỗ bị coi là “bóng ma” ám ảnh châu Âu đã trở thành hiện thực sinh động. 
 
    Công xã Pa-ri là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, nổ ra ở Thủ đô Pa-ri, Pháp (18-3-1871), mặc dù chỉ tồn tại 72 ngày nhưng đã làm rung chuyển thành trì chủ nghĩa tư bản, góp phần làm sâu sắc lý luận về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại. Thế kỷ XX, V.I.Lênin đã bảo vệ và phát triển toàn diện học thuyết Mác, hiện thực hóa lý tưởng cách mạng cao cả của Tuyên ngôn, đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của những người lao động đứng lên đấu tranh giành lại những giá trị chân chính của con người. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, cùng với những thắng lợi to lớn của ba dòng thác cách mạng trong nhiều thập kỷ của thế kỷ XX đã khẳng định trên hiện thực lý tưởng của Tuyên ngôn là bất diệt. 
 
    Bước sang thiên niên kỷ mới, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn đang trong thời kỳ thoái trào, gặp không ít khó khăn nhưng đó chỉ là nhất thời. Sự vận động và phát triển của thời đại hiện nay dù có phức tạp đến đâu chăng nữa vẫn phải tuân theo những quy luật khách quan của đời sống xã hội mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã phát hiện và trình bày khái quát trong Tuyên ngôn. Chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó nhân loại còn không ngừng đấu tranh cho một xã hội công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ và phẩm giá con người. Hiện nay, hơn 1,4 tỷ người dân ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, tích cực cải cách, đổi mới, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực với một niềm tin tất thắng, có sức lôi cuốn ngày càng đông đảo giai cấp công nhân và lao động trên toàn thế giới ngưỡng vọng đi theo. 
 
    3. Cách mạng Việt Nam, hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn lấy Tuyên ngôn nói riêng, chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng giành nhiều thắng lợi vẻ vang
 
    Là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Có lý luận tiền phong hướng dẫn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách tích cực tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng và tổ chức ra Đảng Cộng sản Việt Nam làm hạt nhân lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng đấu tranh lật đổ ách đô hộ của thực dân xâm lược Pháp kéo dài gần một trăm năm, Cách mạng Tháng Tám thành công lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á (02-9-1945), kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi (1945-1975) mang lại hòa bình, thống nhất hai miền Nam - Bắc, đưa cả nước bước vào thời kỳ phát triển mới gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đảng quyết tâm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đất nước chồng chất khó khăn, sau gần 30 năm (từ năm 1986 đến nay) đã đạt được những thành tựu rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử. 
 
    Với niềm tin vững chắc vào tính tất yếu thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, trung thành với tư tưởng của Tuyên ngôn, Đảng ta chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(10).
 
    Hiện nay, cách mạng  Việt Nam kiên trì sự nghiệp đổi mới, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là thể hiện tập trung nhất sự quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý tưởng cao cả mà Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã vạch ra.
(1) C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, H.1994, t.4, tr 601.
(2) C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Sđd, t.4, tr.599.
(3) C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Sđd, t.4, tr.603.
(4) C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Sđd, t.4, tr.597.
(5) C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Sđd, t.4, tr 600-601.
(6) C.Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Sđd, t.4, tr.610.
(7) C.Mác và Ph. Ăngghen toàn tập,Sđd, t.4, tr. 605, 610.
(8) C.Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Sđd, t.4, tr.614-615.
(9) C.Mác và Ph. Ăngghen toàn tập,Sđd, t.4, tr.623-624.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb CTQG, H.2011, tr.69.

Đại tá, PGS, TS. Phạm Văn Nhuận
(Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng)

;
.