Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp Việt Nam

Thứ Năm, 30/01/2014, 19:53 [GMT+7]
    1. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh
    Mỗi một tôn giáo tương tự như là một hệ tư tưởng, Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề tự do tín ngưỡng,  tôn giáo phải được giải quyết một cách thỏa đáng. Người cho rằng, không nên gò ép hay bắt buộc người khác phải theo tư tưởng này hay theo tư tưởng khác; ai cũng có quyền tự do tìm hiểu, nghiên cứu một chủ nghĩa nào mà mình quan tâm(1).
    
    Khẳng định quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân (quyền tin hoặc không tin, theo hoặc không theo một tôn giáo nào) là cơ sở đầu tiên cho mục tiêu đoàn kết tôn giáo. Tình trạng bài xích, đối đầu giữa các tôn giáo sẽ làm cho kẻ thù lợi dụng gây chia rẽ dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trong một nước văn minh có sự tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận nhưng không được vu khống kẻ khác. Đó là một quan điểm cách mạng và khoa học. Nếu tự do theo kiểu vô chính phủ chắc chắn sẽ dẫn đến kết cục là không được tự do. Quyền theo hay không theo một tôn giáo nào không có nghĩa là quyền áp đặt thiên kiến, niềm tin của mình đối với người khác. Bởi vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm cả sự thừa nhận quyền tự do lựa chọn tôn giáo để theo của đồng bào cũng như sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, sự tự do tín ngưỡng, tự do lựa chọn tôn giáo của nhân dân không được cản trở đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội..., đến sự phát triển của đất nước. Khi đề cập đến quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ quan điểm về việc chống vi phạm tự do tín ngưỡng dưới mọi hình thức. Đối với cán bộ của Đảng và Nhà nước, Người luôn nhắc nhở phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán của nhân dân. Ngay sau khi Nhà nước kiểu mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 4, ngày 09-9-1952 về “Bảo vệ đền chùa, nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hóa, xã hội khác”, ghi rõ: “chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào”(2). Bên cạnh việc coi trọng quyền tự do tín ngưỡng của người có đạo, Người cũng đòi hỏi tất cả mọi người không phân biệt có hay không có đạo phải tôn trọng pháp luật. Người yêu cầu các nhà tu hành, các chức sắc tôn giáo có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 
 
    Như vậy, quan điểm trước sau như một, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi người, đi liền với củng cố khối đoàn kết toàn dân của Hồ Chí Minh vừa bảo đảm được lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, vừa không làm ảnh hưởng đến tình cảm tôn giáo - một hình thái ý thức xã hội nhạy cảm và phức tạp. Để thực hiện được điều đó thì rất cần đến một hành lang pháp lý với tư cách là công cụ để nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Vì thế mà các Hiến pháp Việt Nam 1946, 1959, 1980, 1992 nhất quán quy định bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
 
    2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp Việt Nam
    Điều 10 Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng những quy định cụ thể trong nhiều Luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng trong thực tế. Có thể nói, những quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam thể hiện rõ chế độ xã hội ta là một trong những chế độ xã hội tiến bộ so với nhiều nhà nước
khác trên thế giới(3). Hiến pháp 1946 càng cho thấy giá trị thời đại khi hai năm sau (1948), trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận tại Điều 18 một cách cụ thể
hơn: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư”. 
 
    Hiến pháp năm 1959, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tái khẳng định và cụ thể hóa. Điều 26 quy định: Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Trong bản Hiến pháp này, quyền tự do tín ngưỡng đã được mở rộng “theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Điều này cho thấy tự do tín ngưỡng không chỉ là quyền theo tôn giáo mà còn có cả quyền không theo tôn giáo. Quy định như vậy thể hiện một cách nhìn toàn diện và đầy đủ hơn những quan hệ xã hội. Thực tế cho thấy bên cạnh những người theo tôn giáo, vẫn có không ít những người không theo tôn giáo nào. Quy định như vậy một mặt là sự mở rộng hơn, làm sâu sắc thêm quyền đó, mặt khác, là cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền của những người không có đạo, phòng ngừa trường hợp có người vì những lý do nào đó họ bị ép buộc theo một tôn giáo nào đó. Điều này cũng tạo ra sự bình đẳng, đoàn kết giữa người có đạo với người không có tín ngưỡng trong khối đại đoàn kết dân tộc. Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946 và 1959, Điều 68 Hiến pháp năm 1980 đã ghi nhận: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Qua đó cho thấy, quyền tự do tín ngưỡng tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, Hiến pháp 1980, quyền này lại được quy định rõ: Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Điều này có một ý nghĩa vô cùng to lớn, đó là:
 
    Thứ nhất, quyền tự do tín ngưỡng bao gồm cả nội dung phòng ngừa hành vi lợi dụng quyền này để chống phá cách mạng. 
    Thứ hai, quy định này làm rõ căn cứ để nhận diện hoạt động lợi dụng tôn giáo, đó là những hoạt động vi phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan cũng như các hủ tục lạc hậu nhằm mưu cầu cá nhân, phá hoại thành quả cách mạng. Ngày 15-4-1992, Quốc hội nước ta đã thông qua Hiến pháp năm 1992, sau đó Hiến pháp 1992 được sửa đổi. Trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có một số điểm mới: 
    Một là, khái niệm tín ngưỡng được đặt độc lập, bên cạnh khái niệm tôn giáo. Như vậy, sự phân biệt hai hiện tượng tín ngưỡng và tôn giáo đã rõ ràng hơn. Đây có thể xem là một bước tiến của nhận thức về các hiện tượng tiêu biểu thuộc đời sống tâm linh ở nước ta; hiện tượng tín ngưỡng, gồm: thờ cúng ông bà, cha mẹ, tổ tiên… khác với hoạt động tôn giáo. Thực tế, hoạt động tín ngưỡng rất phong phú, mang tính truyền thống, phong tục… nó có cả mặt tích cực và tiêu cực. Vì thế, việc bổ sung, làm rõ hiện tượng tín ngưỡng bên cạnh hiện tượng tôn giáo như Hiến pháp 1992 đã đề cập là cần thiết, nó không chỉ mở rộng quyền công dân mà còn thể hiện tính công bằng đối với xã hội từ phương diện chuẩn mực pháp lý.
    Hai là, Hiến pháp 1992 đề cập đến sự bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo, qua đó phản ánh khá rõ nét về tính dân chủ của xã hội nước ta. Việt Nam có nhiều tôn giáo khác nhau, tồn tại đan xen. Song, về nguyên tắc, tất cả đều phải bình đẳng trong mối quan hệ với Nhà nước. Hơn thế, quy định về sự bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo ở nước ta trong Hiến pháp 1992 còn là một yếu tố góp phần bảo đảm sự đoàn kết giữa các đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, góp phần vào sự nghiệp đoàn kết chung của dân tộc. Quy định nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân là phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 cho rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, tự do vô nguyên tắc. Tại Điều 29 của Tuyên ngôn nêu rõ: khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp quốc. 
    Ba là, Hiến pháp 1992 còn quy định “những cơ sở thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Quy định này thể hiện chính sách trách nhiệm cụ thể của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền của các tôn giáo trong cuộc sống. 
    Bốn là, Hiến pháp 1992 không chỉ dừng lại ở việc quy định: không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, mà còn quy định: không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là một quy định thể hiện trách nhiệm tôn trọng quyền này đối với mọi người.  Quy định này thể hiện một cách nhìn nhận thực tế trong đời sống xã hội. Bởi vì, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo chỉ được bảo đảm khi mọi người trong xã hội, dù có hay không có tín ngưỡng tôn giáo đều không được làm phương hại đến nó. Gần đây nhất, trong Điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đề cập, đó là:
 
    1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
    2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.
    3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
 
    Về cơ bản thì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trong Điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được kế thừa và phát triển từ Điều 70 của Hiến pháp 1992. Trong Dự thảo này có hai điểm mới đáng lưu ý:
    Thứ nhất, Hiến pháp ghi nhận: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Điều này cho thấy thái độ cũng như chính sách dân chủ của Nhà nước ta đối với quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân cần phải được tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện để họ thực hiện tốt nhất quyền đó. 
    Thứ hai, Điều 25 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã có sự tiến bộ hơn so với các bản Hiến pháp trước đó khi đã có sự ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. “Mọi người” chứ không phải là “công dân”. Bản chất của vấn đề đã có sự thay đổi căn bản, điều đó thể hiện chính xác quyền con người đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. “Công dân” là thể hiện mối quan hệ giữa người dân với Nhà nước, với thể chế Chính trị. Nhà nước ta là Nhà nước thế tục, nghĩa là Nhà nước phi tôn giáo, khẳng định quyền tự do tôn giáo và nguyên tắc tách biệt giữa Nhà nước và Giáo hội, không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo. Vì thế khi ghi nhận “mọi người” sẽ bao trùm rộng hơn so với “công dân” vì trong thực tế không phải ai cũng có quyền công dân. Ví dụ, một người tù, mặc dù đã mất quyền công dân nhưng vẫn có quyền tự do thờ phụng, thực hành tôn giáo của mình v.v… Ghi nhận “mọi người” có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
 
    Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Quán triệt, kế thừa, phát triển quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Người, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện chủ chương, cơ chế, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Hiến pháp - văn bản có giá trị pháp lý cao nhất qua bốn lần sửa đổi (và hiện nay là bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) đều đề cập đến vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng ngày càng hoàn thiện, dân chủ, tôn trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dân và tổ chức tôn giáo phát triển một cách lành mạnh và công bằng nhất. Thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu chung là phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
(1) Trong lần trả lời phỏng vấn các nhà báo ngày 12-7-1946 ở Roaya Mông Xô, Người đã nói: “Tất cả nọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Cho nên cũng có thể nói, quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của con người đó cũng chính là quyền con người được tự do về tư tưởng”.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2003, t.6, tr.565.
(3) Khoản 3, Điều 1 Hiến chương Liên Hợp quốc quy định: “Khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.

 

ThS. Nguyễn Xuân Trung
(Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)
;
.