Lý luận Hồ Chí Minh về mô hình quản lý nhà nước dân chủ

Thứ Năm, 02/01/2014, 15:44 [GMT+7]
Trong các thời đại xa xưa, khi con người sống chung thành một quần thể ở từng khu vực, từng địa phương theo mô hình xã hội nguyên thủy họ đã dần dần biết tổ chức lại thành các bộ lạc, có người đứng đầu quản lý, thường gọi là “Tù trưởng”. Khi chế độ phong kiến xuất hiện, người ta đã nghĩ ra phương thức quản lý tầm quốc gia. Tiêu biểu ở Phương Đông (Trung Hoa cổ, khoảng hơn 1000 năm trước Công Nguyên) Vua Văn Vương nhà Chu sau khi diệt xong Vua Trụ nhà Thương đã xây dựng một thể chế quản lý nhà nước đầu tiên tương đối toàn diện của nước Trung Hoa thời phong kiến.
 
Nền tảng chính trị của nhà Chu lấy “nhân nghĩa” làm đầu, giải quyết cuộc sống cho nhân dân trước hết là người “cùng đinh”. Sách Luận ngữ và Kinh Xuân Thu đã ghi: “quan, quả, cô, độc, thử tử giả thiên hạ chi cùng dân, Văn Vương phát chính thi nhân, tất tiên tư tử giả” (người góa vợ, người góa chồng, người nghèo khổ, người cô độc, đó là bốn loại người cùng dân trong thiên hạ. Vua Văn Vương ban hành chính sách làm điều “Nhân” trước tiên nghĩ đến bốn loại người đó).
 
Khổng Tử viết Kinh Xuân Thu về cai trị của Nhà nước phong kiến dựa trên nền tảng phương thức quản lý của Chu Văn Vương. Nội dung của Kinh Xuân Thu là “Nhân trị” tức là lấy người hiền, tài để trị thiên hạ, “Đức trị” tức là lấy đạo đức để trị thiên hạ. Mặc dù Vua vẫn là người đứng đầu Nhà nước, nhưng đứng vị trí thứ 3 trong xã hội “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân quý nhất; cung điện, miếu, đền thờ đứng thứ 2; Vua đứng thứ 3) (sách Mạnh Tử).
 
Ở Âu Châu các thời Louis Đại đế; Napoléon Đại đế (của Pháp); Pie Đại đế (của Nga) lập nên chế độ quân chủ theo “Nhân trị”, Vua là người có quyền cao nhất. 
Sang thời kỳ cận đại, quá trình đấu tranh đòi hỏi của nhân dân, các nhà triết học Phương Đông cũng như Phương Tây nhận thức rằng, không thể quản lý nhà nước theo cách cũ (dựa vào điều nhân nghĩa - Đức trị và lòng tốt của người đứng đầu Nhà nước - Nhân trị để “gia ân” cho nhân dân), mà cần phải có quy định của pháp luật để người đứng đầu nhà nước tuân theo đó cai trị đất nước. Vì thế, phong trào đòi Nhà nước quản lý bằng pháp luật ra đời (Pháp trị). Ở Trung Hoa, có phong trào chống lại cách cai trị theo kiểu “Kinh Xuân Thu” của Khổng Tử, do hai ông Dương Chu và Mặc Địch đứng đầu, rồi đến Hàn Mặc Tử là nhà “Pháp quyền”. Ở phương Tây có các ông Jean-Jacques-Rousseau và Montesquieu của Pháp là hai nhà “Khai sáng - Pháp quyền” nổi tiếng thế giới.
 
Năm 1789, Cách mạng tư sản Pháp thành công, lập lên nền Đệ nhất cộng hòa và thực hiện nhà nước pháp quyền, xây dựng Hiến pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến. 
 
Sau Cách mạng tư sản Pháp, các nước ở Châu Âu lần lượt chuyển sang chế độ “Pháp quyền” (một số quốc gia vẫn để chức Vua nhưng chỉ trên danh nghĩa “làm vì”), xây dựng Hiến pháp dân chủ gọi là chế độ “Quân chủ lập hiến” và tồn tại đến ngày nay (ở Châu Á có Thái Lan, Malaixia...).
 
Năm 1776, nước Mỹ Tuyên ngôn độc lập, xây dựng một nhà nước theo chế độ dân chủ đại nghị (Thượng viện và Hạ viện), đề cao vai trò Nghị viện. Tháng 10-1917, Lênin lãnh đạo cuộc đại cách mạng ở Nga, xây dựng một Nhà nước chuyên chính vô sản, lấy giai cấp công nhân, nông dân làm nền tảng, lập nên nhà nước Xô Viết. Sau Đại chiến thế giới thứ hai, một số nước Đông Âu được Hồng quân Liên Xô giải phóng cùng xây dựng Nhà nước theo kiểu Cộng hòa Xô Viết của Nga.
 
Một số nước ở Đông Âu nhập vào nước Nga thành Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết. Sau 73 năm (năm 1990), Liên Xô và các nước ở Đông Âu sụp đổ, phe Xã hội chủ nghĩa không còn nữa, chỉ còn lại ba nước ở Châu Á và Cu Ba ở Châu Mỹ La tinh, mỗi nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo cách riêng của mình.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 30 năm ở nước ngoài đã nghiên cứu các mô hình quản lý nhà nước để vận dụng vào Việt Nam khi giành được chính quyền về tay nhân dân. 
 
Tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đổ phát xít Nhật, thực dân Pháp, giành được chính quyền sau 80 năm bị đô hộ của thực dân Pháp và 4 năm của phát xít Nhật. Ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
 
Trong tình hình của Việt Nam lúc đó, đúc rút qua thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần phải xây dựng một Nhà nước kiểu mới, phù hợp với đặc điểm riêng của Việt Nam và trào lưu phát triển của nhân loại. 
 
Hồ Chủ tịch cùng với Trung ương Đảng quyết định đường lối xây dựng và phát triển đất nước trên nền Dân chủ Cộng hòa, lấy mục đích cao nhất là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kiên quyết chống xâm lược (nhất là lúc đó thực dân Pháp dưới sự chỉ huy của chính quyền Degaulle, theo gót quân đội Anh vào giải giáp quân đội Nhật để xâm chiếm Việt Nam lần thứ 2). 
 
Về đối nội, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh cùng toàn dân xây dựng một thể chế dân chủ, xóa bỏ triệt để hệ thống cai trị của thực dân, phong kiến. Để thực hiện việc đó, trước tiên phải làm cho mọi người dân thực sự làm chủ đất nước, tham gia bàn bạc việc nước mà bước đầu tiên là bầu ra Quốc hội của toàn dân bằng hình thức phổ thông đầu phiếu. Sau 3 tháng giành được độc lập (02-9-1945 đến 06-01-1946), nhân dân Việt Nam lần đầu tiên bầu một Quốc hội có đầy đủ thành phần xã hội, đảng phái tham gia và chỉ sau 10 tháng (từ tháng 01 đến tháng 10-1946) Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tự do - một Hiến pháp nổi tiếng về tiến bộ và dân chủ mà ta thường gọi là Hiến pháp 1946.
 
Bản Hiến pháp đầu tiên đã thể hiện bản chất của chế độ Việt Nam là chế độ Dân chủ Cộng hòa, lấy dân làm gốc; đã thể hiện đầy đủ quyền lợi của mọi người dân. Mục đích cơ bản của nó là giải phóng sức lao động, mọi người có cơm ăn, áo mặc, việc làm; mọi người được học hành, xóa bỏ nạn đói, tiến tới xóa hết đói nghèo. 
 
Tuy nhiên, do tình hình thế giới và trong nước lúc đó hết sức phức tạp, Việt Nam phải tập trung toàn lực của dân tộc vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 22-12-1946, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Việt Nam, tiến hành cuộc xâm lược lần thứ 2. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện song song 2 nhiệm vụ chiến lược: Kháng chiến - Kiến quốc. Có thể nói, trong lịch sử thế giới chưa từng có một nước nào lại gặp khó khăn như Việt Nam trong thời kỳ 1945-1954.
 
Trong 9 năm vừa đánh giặc vừa xây dựng, nhân dân ta vẫn tiếp tục củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng cường lực lượng quốc phòng, bảo đảm mọi nhu cầu cho tiền tuyến đánh thắng thực dân xâm lược.
 
Về đối ngoại, sau chiến thắng Biên giới năm 1950, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với các nước Liên Xô, Trung Quốc và một số nước ở Đông Âu. Vị thế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từng bước được thế giới nhìn nhận, đặc biệt là phong trào hòa bình của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam ngày càng được mở rộng, trong đó phải kể đến phong trào ủng hộ Việt Nam của nhân dân Pháp phản đối chính sách xâm lược Việt Nam của Chính phủ Pháp. 
 
Cuộc chiến tranh Việt Nam tiến triển ngày càng thuận lợi, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào và Campuchia liên tiếp tấn công địch trên toàn cõi Đông Dương, giữ vững các khu căn cứ và mở rộng vùng giải phóng ở mọi miền đất nước, làm cho thực dân Pháp vô cùng khó khăn, phải thường xuyên thay đổi các tướng lĩnh giỏi sang chỉ huy tại chiến trường Việt Nam. Từ Salan đến De Lattre de Tassigni và cuối cùng là Nava đều bị đánh bại và kết thúc là Việt Nam đại thắng ở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954). Ngày 21-7-1954, Pháp phải ký Hiệp định đình chiến lập lại hòa bình ở Đông Dương, lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời. 
 
Thực dân Pháp phản bội Hiệp định Giơnevơ, chúng cấu kết, “sang tay” cho Mỹ xâm lược Việt Nam. Trong gần 20 năm (1954-1975), đế quốc Mỹ đã dùng mọi năng lực chiến tranh của mình (trừ bom nguyên tử) vào cuộc “Chiến tranh Đặc biệt” ở Việt Nam, hòng tiêu diệt một Nhà nước Dân chủ Cộng hòa, song chúng đã thất bại và phải kết thúc bằng Hiệp định 4 bên ký tại Paris (Pháp) ngày 31-01-1973. 
 
Ngày 30-4-1975, sau hơn 100 năm bị xâm lược và chia cắt, nước Việt Nam được thống nhất và mở ra một trang sử mới cho nhân dân Việt Nam thực hiện nền Dân chủ Cộng hòa theo Hiến pháp năm 1946. Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành hiện thực. 
 
Với lý luận “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo tình hình phát triển của đất nước trong quá trình xây dựng quốc gia Độc lập, Dân chủ và bằng trải nghiệm trong suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Người hiểu rõ bản chất của người dân và những người cầm quyền là khác biệt với nhau về quyền lợi. Người cầm quyền, khi nắm giữ được quyền lực, họ sẽ quan tâm đến vị trí lâu dài. Còn người dân thì luôn luôn mong ước được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh là rất chính xác đã được hiện thực chứng minh sau này là Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, trong đó có nguyên nhân sâu xa bởi những nhà cầm quyền thoái hóa biến chất. Đối với Chủ nghĩa tư bản, họ cũng tìm ra những cách để tồn tại lâu dài như xây dựng “Xã hội phúc lợi chung” nay cũng bộc lộ những khuyết tật vốn có nặng nề trong cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở hầu hết các nước Tây Âu mà rõ nhất là Hy Lạp...
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng thể chế quản lý nhà nước theo Nhân trị, Đức trị lạc hậu hơn Pháp trị; Pháp trị tiến bộ hơn Nhân trị, Đức trị. Tuy nhiên, nếu không có người tài, đức để quản lý nhà nước thì dù có giương cao ngọn cờ “Dân chủ”, “Nhân quyền”, “Pháp quyền” xây dựng công phu, tốn phí nhiều thời gian và tiền của, ngôn từ nhưng cũng vẫn chỉ là trên giấy tờ. Nhận rõ thực tế đó, Người đặc biệt quan tâm đào tạo nhân tài, giáo dục nâng cao dân trí, để có người cầm quyền có đủ đức, đủ tài quản trị đất nước; người dân có đủ trình độ, trí tuệ để nhìn rõ, kiểm tra, giám sát những hành động của người cầm quyền, đòi quyền lợi của mình theo pháp luật, có như vậy thì Chế độ dân chủ mới được thực hiện đầy đủ. 
 
Lý luận Hồ Chí Minh về mô hình quản lý một Nhà nước Dân Chủ được thể hiện rõ trong Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mọi người dân được bình đẳng trong xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Không có đặc quyền đặc lợi cho bất cứ ai. Mục đích cao nhất là người dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành; có công việc làm để tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội. Phấn đấu thực hiện một xã hội không còn người nghèo, chỉ có người có cuộc sống trung bình trở lên; phân phối thu nhập trong xã hội phù hợp với người tạo ra của cải xã hội nhiều hay ít, làm nhiều, hiệu quả nhiều được hưởng nhiều; còn những người không còn sức lao động, hoặc không có khả năng lao động... thì chính sách phúc lợi xã hội giải quyết với mức sống trung bình. Những vấn đề này phải được nêu cụ thể rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu trong pháp luật, để người cầm quyền tổ chức thực hiện và người dân theo dõi sự thực thi của người cầm quyền.
 
Trong chế độ dân chủ và nhà nước pháp quyền, khó nhất là phân phối lợi ích cho các giai tầng trong xã hội. Hiểu rõ sự phát triển tư duy con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, muốn giải quyết xung đột quyền lợi giữa các tầng lớp nhân dân, thực hiện công bằng trong phân phối vật chất, cần phải chia làm 2 bước:
 
Bước một: Tập trung mọi khả năng của quốc gia, xóa hết người nghèo trong xã hội, vì trong thực tế mọi người sinh ra sợ nhất nghèo khổ, mà mỗi người không thể lựa chọn “đầu thai” để sung sướng và ngay cả khi có cuộc sống sung sướng rồi lại gặp “tai biến” của thiên nhiên hoặc do con người gây ra làm cho nghèo khó, không ai có thể biết trước được; nên cần phải làm ngay, làm sớm. 
 
Bước hai: Phân phối lợi ích hợp lý cho mọi tầng lớp trong xã hội, Nhà nước phải là một tổ chức “tựa hồ như đứng trên xã hội… điều hòa lợi ích của các giai cấp trong xã hội”. Việc này phải làm từng bước, quy định cụ thể rõ ràng. Cần phải thực hiện đầy đủ lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, tuyển chọn người tinh hoa của dân tộc, gương mẫu để giao quản lý nhà nước.
Người đó phải gương mẫu cả trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày để làm gương cho người dân và đồng nghiệp dưới quyền noi theo. Đó là điều khó nhất của mọi xã hội, nhất là làm sao chọn được người tài liên tục quản lý đất nước, phá bỏ tư duy lỗi thời cho rằng: “có thịnh có suy” để che giấu sự suy thoái, biến chất của mình.
 
Mô hình quản lý Nhà nước dân chủ theo lý luận Hồ Chí Minh phải bảo đảm được 4 yếu tố sau đây:
1. Có đội ngũ cán bộ có đủ tài, đủ đức được chọn lọc dân chủ vào cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở (Người cầm quyền của đất nước phải là tinh hoa của dân tộc).
2. Giáo dục nâng cao dân trí để người dân có đủ hiểu biết để sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, để họ biết tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình, để giám sát việc thi hành pháp luật của người cầm quyền. 
3. Giải quyết hết số người nghèo trong xã hội, nếu còn người nghèo là còn một “lỗ thủng” về thực thi pháp luật. Nghèo nghĩa là không được học hành, không có việc làm, không đủ ăn, không có trí tuệ để kiểm tra người cầm quyền. Họ là những người không được hưởng dân chủ, tự do, hạnh phúc thật sự trong cuộc sống.
4. Tổ chức lao động trong xã hội thật tốt để mọi người đến tuổi lao động đều có việc làm, không thất nghiệp. 
 
Lý luận về mô hình quản lý nhà nước dân chủ là làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Cả nước ta quyết tâm làm cho bằng được mục tiêu đó để “Việt Nam có thể bước lên đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm Châu” như mong ước của Bác Hồ.
Thực hiện tốt mô hình này chính là chúng ta nâng lý luận giản dị của Hồ Chí Minh lên một tầm lý luận chung của nhân loại. Lịch sử loài người ghi nhận trong quá khứ - thời đại phong kiến có Kinh Xuân Thu của Khổng Tử, thời đại dân chủ ngày nay có mô hình quản lý nhà nước theo lý luận Hồ Chí Minh, sẽ là những tác phẩm để lại cho đời sau tham khảo, nghiên cứu, áp dụng.
Đoàn Duy Thành
(Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)
 
;
.