Chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Ba, 14/01/2014, 10:14 [GMT+7]
Năm 2013, công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo các bộ, ngành nên lần đầu tiên tình trạng nợ đọng văn bản thấp nhất từ trước tới nay.
Toàn Ngành Tư pháp đã triển khai quyết liệt nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội cơ bản được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; Chính phủ đã trình 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 21 luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có những dự án luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng,… đã được Quốc hội thông qua. Công tác xây dựng, ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 23/12/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 123/164 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, đạt 75%, đặc biệt là trên 90% số nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực đã được ban hành. 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Hùng Cường
Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành việc xây dựng, trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Luật Hoà giải ở cơ sở, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 với sự đồng thuận cao; đã phối hợp với bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt công tác tổng kết thi hành, hoàn chỉnh các dự án luật Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi), Luật Công chứng  (sửa đổi), trình Quốc hội khoá XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, đề xuất các giải pháp tháo gỡ về thể chế cho gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ để mua nhà ở thu nhập thấp. Để chuẩn  bị cho việc xây dựng các dự án luật quan trọng, mang tính “rường cột” của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng đã tổ chức tổng kết và xây dựng định hướng của các dự án luật này và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong năm 2014.
Công tác theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó bao gồm cả việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh cũng đạt được những kết quả quan trọng. Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh với tỷ lệ văn bản nợ đọng thấp nhất trong 11 năm vừa qua. Đặc biệt, triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành 51/54 nghị định quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính trong năm 2013 (03 nghị định còn lại có thời hạn ban hành năm 2014).
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương tiếp tục có những chuyển biến. Năm 2013, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 3.172 văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế - xã hội ở địa phương, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp. 
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có nhiều đổi mới trong quy trình, cách thức thẩm định, có đổi mới mang tính đột phá như việc tổ chức thẩm định “chùm” hơn 50 nghị định về xử lý vi phạm hành chính thông qua cơ chế hội đồng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng thẩm định. Việc thẩm định theo cơ chế nội bộ của các tổ chức pháp chế đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng đã được chú trọng hơn, góp phần nâng cao chất lượng các thông tư, thông tư liên tịch. Việc thẩm định các văn bản văn bản quy phạm pháp luật ở các địa phương cũng đã đi vào nền nếp. Trong năm 2013, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định 409 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thẩm định theo thủ tục rút gọn 108 đề án, văn bản thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ; các cơ quan tư pháp địa phương thẩm định 7.610 văn bản.
Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện công tác tư pháp năm 2014. Toàn ngành tiếp tục tham mưu cho Chính phủ rà soát, lập kế hoạch, danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, trong đó ưu tiên các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp ở trung ương và địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội về quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 2013. Tham mưu, giúp Quốc hội, Chính phủ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ, nhất là các dự án luật liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển thị trường tài chính. 
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất). Thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các dự án: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất), Luật Hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh các dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua.
Chủ động báo cáo Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh chương trình khi cần thiết; xây dựng đề xuất của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; tăng cường phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, tham mưu, giúp Chính phủ rà soát tất cả các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 để xây dựng, ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội.
Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; bảo đảm luật, pháp lệnh, nghị quyết có hiệu lực phải được thi hành không phải chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Tiếp tục cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng dự thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của dự thảo văn bản...
Hồng Thúy
;
.