Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Năm, 03/11/2022, 13:54 [GMT+7]
    Tại  Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 dưới sự điều của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội.
 
    Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt, được thể hiện bởi những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%, thu ngân sách tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước, nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020, tỷ trọng chi đầu từ 22,9% lên đến 29%... Đặc biệt bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ (các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%...).
 
Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
    Các đại biểu thống nhất đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được toàn Đảng, toàn dân hết sức quan tâm, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền. Hằng năm đều báo cáo cho các cơ quan dân cử, cho Nhân dân biết và giám sát. Các đại biểu khẳng định việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề trên là nội dung giám sát tối cao, đây là lựa chọn đúng và trúng trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung về phát huy các nguồn lực và phát triển đất nước.
 
    Đồng tình với kết quả Báo cáo giám sát, các đại biểu Quốc hội ghi nhận thời gian qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Việc quản lý và thu chi ngân sách chặt chẽ, có tiết kiệm cơ cấu chi hợp lý, không dàn trải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho phát triển và đầu tư, đảm bảo chi cho an sinh xã hội, với con số rất ấn tượng trong tiết kiệm chi là hơn 350 nghìn tỷ, bội chi ngân sách ở mức cho phép, trần nợ công giảm mạnh. Nhiều tài sản các vụ án tham nhũng được thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính là điểm cộng đạt được nhiều kết quả tích cực
 
    Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Theo đó, việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí còn lớn, nghiêm trọng làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Quốc hội đã phân tích kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế này và chỉ ra nhiều nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế.
 
    Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần khẩn trương làm rõ các vi phạm và khắc phục đối với gần 3.100 dự án vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; hơn 74.300 ha đất bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản. Đồng thời HĐND các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giám sát ở địa phương, kiến nghị các giải pháp cũng như vướng mắc trong thực hiện pháp luật trên địa bàn.
                                                                             Quang Anh
.