Tiếp tục khơi dậy sức mạnh các phong trào thi đua yêu nước
Thứ Năm, 10/12/2020, 14:40 [GMT+7]
Hôm nay, ngày 10/12, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong không khí vui tươi, phấn khởi. Đại hội càng trở nên ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp cả nước đang hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với rất nhiều hoạt động thiết thực.
Đại hội thi đua yêu nước nhằm đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu. Quan trọng hơn, Đại hội tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Cách đây 72 năm, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành T.Ư Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Ngay sau đó, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người như lời hiệu triệu vang vọng khắp non sông, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 5 năm tới, 2021-2025 |
Trong các thời kỳ lịch sử của đất nước, các phong trào thi đua luôn có vai trò rất quan trọng trong những thành công của dân tộc. Có thể kể đến các phong trào thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó còn là phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ... trong những năm tháng tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Những năm gần đây, nhân dân khắp mọi miền đất nước sôi nổi triển khai phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới. Đó còn là phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Và còn rất nhiều phong trào thi đua khác đang được triển khai sâu rộng và từng bước ghi dấu ấn trong đời sống xã hội.
Các phong trào thi đua yêu nước tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thật sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo khí thế sôi nổi, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân lập được những chiến công, thành tích xuất sắc.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian cho thấy công tác thi đua khen thưởng, các phong trào thi đua đang bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được quan tâm giải quyết kịp thời. Đó là việc lãnh đạo chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự sâu sát do nhận thức và quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng còn hạn chế. Có nơi, phong trào thi đua chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm; việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự lan tỏa. Có những đơn vị, địa phương buông lỏng công tác thi đua, khen thưởng, thậm chí không ít nơi có biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng chưa bám sát kết quả thi đua, vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan, thiếu công bằng; có những tiêu chuẩn, hình thức, phương pháp khen thưởng duy trì quá lâu làm mất tính hấp dẫn, không động viên, khích lệ được đông đảo quần chúng tham gia. Trong thực tế, vẫn còn hiện tượng khi xét khen thưởng chỉ tập trung dành cho lãnh đạo hoặc khen thưởng tập thể lớn mà ít chú ý tôn vinh tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp...
Thi đua, khen thưởng có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội và quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức các phong trào thi đua, công tác khen thưởng là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Để làm tốt mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để có thể phát động, tổ chức các phong trào thi đua với phương châm thiết thực, hiệu quả ngay từ tên gọi, mục tiêu. Nội dung thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị được giao và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân. Cần tập trung rà soát và cương quyết loại bỏ những chương trình, phong trào đã phát động nhưng hiệu quả thực tế thấp, không thu hút được mọi người tham gia. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật hướng dẫn để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Nâng cao chất lượng khen thưởng, bảo đảm chính xác, minh bạch và kịp thời, trong đó chú trọng khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, nhất là những người trực tiếp lao động, sản xuất. Huy động các nguồn lực xây dựng quỹ thi đua, khen thưởng... để có thể khen thưởng xứng đáng, kịp thời. Rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có năng lực chuyên môn, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Các cơ quan, đơn vị phụ trách thi đua, khen thưởng cần đổi mới tác phong làm việc, cải cách thủ tục theo hướng tinh gọn, áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa và tạo thuận lợi cho cơ sở trong công việc.
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X là dịp để chúng ta khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước cùng những kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng những năm qua. Qua đó, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, khơi dậy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường, lòng tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Báo Nhân Dân