Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường công khai, minh bạch
Thứ Năm, 06/02/2020, 15:45 [GMT+7]
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014 hơn bốn năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP (từ năm 2016) và sau một năm thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP (năm 2019), môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc khi cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), MTKD của Việt Nam đã tăng 20 bậc, từ 90/190 quốc gia (năm 2015) lên 70/190 quốc gia (năm 2020). Việc chỉ số đánh giá được cải thiện liên tục qua các năm đã giúp Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách so với nhóm ASEAN 4 (Xin-ga-po, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin). Trong đó, Việt Nam được đánh giá là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách được thực thi. Chỉ riêng 5 năm, từ khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, Việt Nam đã có 18 cải cách được ghi nhận, hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ.
Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường công khai, minh bạch ở Việt Nam |
Tuy nhiên, xếp hạng MTKD của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, đặc biệt một số chỉ số tụt hạng so với khu vực và thế giới.
Chính vì vậy, để tiếp tục thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nỗ lực cải thiện MTKD tại Việt Nam, ngay trong ngày đầu của năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện MTKD và nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia. Ðây cũng là năm thứ hai liên tiếp, nghị quyết này được ban hành ngay từ ngày đầu của năm. Nghị quyết năm nay có nhiều cải cách mới, mạnh mẽ hơn với mục tiêu tạo ra những cơ hội lớn hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, năm 2020, phấn đấu MTKD theo xếp hạng EODB của WB tăng 10 bậc, NLCT theo xếp hạng GCI 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng năm bậc, đổi mới sáng tạo theo xếp hạng GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng từ ba đến bốn bậc, Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (UN) tăng 10 đến 15 bậc.
Một trong những nội dung được nhắc tới đầu tiên tại nghị quyết chính là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện MTKD và việc cắt giảm cần thực chất hơn, nhất là trong năm 2019, công tác này được đánh giá là khá trầm lắng và chỉ tạo ra được các "gợn sóng" nhỏ khiến doanh nghiệp (DN) vẫn chưa cảm nhận được tác động thật sự. Tuy đã cắt giảm tới 50% điều kiện kinh doanh nhưng theo nhiều chuyên gia, con số thực chất chỉ ở mức phân nửa so với báo cáo. Nhiều quy định, quy chuẩn có dáng dấp "giấy phép con" khiến DN mất thêm nhiều chi phí không cần thiết, không giúp gia tăng chất lượng sản phẩm, thậm chí còn làm giảm sức cạnh tranh. Ðây chính là dư địa điều kiện kinh doanh cần cắt giảm để hoạt động hỗ trợ DN đi vào thực chất hơn trong thời gian tới.
Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn tới 48% số DN phải xin giấy phép con, có nghĩa vẫn còn hơn 360 nghìn DN tiếp tục phải xin một loại giấy phép con nào đó. Vì vậy, để thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đạt hiệu quả cao, góp phần cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia, năng suất lao động, cùng với vai trò đầu tàu dẫn dắt của Chính phủ, còn cần sự vào cuộc chủ động, quyết liệt và đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương trong việc tìm kiếm giải pháp và các kinh nghiệm thực thi tốt. Có như vậy, MTKD của đất nước mới thật sự cởi mở, minh bạch, thúc đẩy DN phát triển bền vững; đồng thời cũng giúp cộng đồng DN tuân thủ pháp luật tốt hơn.
Minh Dũng
(Báo Nhân Dân)