Bắc Giang: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở

Thứ Hai, 01/11/2021, 07:39 [GMT+7]
    Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở từng bước được đổi mới. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nâng cao; qua đó, góp phần vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
    Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế; việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi còn hình thức, thiếu chủ động, không thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp trong phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên; công tác hòa giải ở cơ sở chưa thật sự hiệu quả, tỷ lệ vụ việc được hòa giải thành công chưa cao, thiếu bền vững.
 
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021(tháng 4/2021)
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021(tháng 4/2021)
    Để tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 29/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh. 
 
    Theo đó yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này; phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Phấn đấu từ năm 2022 đến năm 2025, số vụ việc hòa giải thành công đạt trên 85%; từ năm 2026 trở đi, tỷ lệ hòa giải thành công đạt từ 90% trở lên.
 
    Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở phải được tổ chức thực hiện đồng bộ, thường xuyên, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm, trọng điểm, nòng cốt để thực hiện có hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tích cực, thường xuyên, gương mẫu tìm hiểu, thực hiện tốt pháp luật, coi đây là nhiệm vụ và là một trong nhũng tiêu chuẩn đánh giá, cán bộ, đảng viên; việc tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở phải gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử; công tác dân vận ở cơ sở; bảo đảm an ninh, trật tự; việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng nông thôn mới, xây dụng đô thị văn minh, hiện đại và các phong trào thi đua yêu nước.
 
    Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể, bảo đảm 100% người dân được phổ biến pháp luật; chú trọng quan tâm đến các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù, vùng đồng bào dân tộc, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xuyên tạc, lợi dụng, kích động đưa tin không chính xác về các chủ trương, chính sách, pháp luật; tăng cường thông tin các vụ việc vi phạm pháp luật nổi cộm, được dư luận quan tâm; việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật và kết quả xử lý của các cơ quan chức năng bằng hình thức phù hợp trong sinh hoạt đảng hằng tháng để tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa vi phạm.
 
    Thường xuyên đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù họp với từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông, tin, phát huy vai trò, hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các chuyên trang, chuyên mục trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
    Thường xuyên kiện toàn, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn; tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ, giới thiệu văn bản pháp luật mới, cung cấp, hỗ trợ tài liệu tuyên truyền cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm củng cố đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động, phát huy trách nhiệm xã hội của đội ngũ luật sư, luật gia, những người công tác trong lĩnh vực pháp luật, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, người am hiểu pháp luật và người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.
 
    Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của MTTQ, các tổ chức đoàn thể và người dân trong công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên củng cố, xây dựng đội ngũ hòa giải viên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình điểm, cá nhân điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở. Gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác dân vận và xây dựng các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở cộng đồng dân cư; tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ, các cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết các vụ việc hoà giải ở cơ sở.
 
    Thường xuyên rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị cần quan tâm bố trí kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đồng thời tăng cường xã hội hóa và đa dạng các nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.
 
    Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hằng năm, tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Tuệ Minh
.