Quảng Bình: Một số kết quả sau 5 năm tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội
Thứ Ba, 13/10/2020, 18:32 [GMT+7]
Thực hiện Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW, ngày 16/4/2015 của Ban Nội chính Trung ương về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai công tác rà soát các cuộc thanh tra, đạt được nhiều kết quả.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã thành lập các đoàn rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và đã ban hành kế hoạch về tổ chức thực hiện và các văn bản liên quan phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả của việc rà soát.
Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh phát biểu tại một Hội nghị của Đoàn rà soát năm 2017 |
Từ năm 2015 đến nay tổng cộng có 2.400 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội của địa phương, kiến nghị Thanh tra Chính phủ, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước; trong đó, 2.390 kết luận của địa phương; 04 kết luận của Thanh tra Chính phủ; 06 kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Qua rà soát, các đoàn đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 11 vụ; trong đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 05 vụ.
Đối với kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, đã kiến nghị và được các cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương tiếp thu thực hiện xử lý đạt 100%. Cụ thể, kỷ luật về mặt Đảng 40/40 trường hợp kiến nghị (khiển trách: 20, cảnh cáo: 15, cách chức: 05); kỷ luật về mặt chính quyền 61/61 trường hợp kiến nghị (khiển trách: 32, cảnh cáo: 18, cách chức: 05, buộc thôi việc: 06); thu hồi 268 tỷ 987,8 triệu đồng các đoàn kiến nghị thu hồi, đạt 100%...
Kết quả rà soát qua từng năm cho thấy, nhiều tổ chức thanh tra đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua các đợt rà soát; việc đôn đốc thực hiện kết luận, chỉ đạo xử lý sau thanh tra được quan tâm, việc thực hiện kiến nghị của kiểm toán nhà nước nghiêm túc, thu hồi về kinh tế đạt tỷ lệ cao. Các Đoàn thanh tra đã có ý thức đến việc đánh giá các sai phạm, xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm để chuyển cơ quan điều tra, điều tra xử lý theo pháp luật qui định.
Về hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phải kể đến là việc phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, đặc biệt là dấu hiệu tội phạm tham nhũng chưa được quan tâm, ít quan tâm đến xử lý kỷ luật hành chính, chủ yếu quan tâm đến xử lý kinh tế. Các sở, ngành ít tiến hành các cuộc thanh tra hành chính ở các đơn vị trực thuộc trong bộ máy; việc phát hiện, xử lý, sai phạm trong nội bộ còn quá ít...
Nguyên nhân chính là do chính sách khen thưởng, chế tài xử lý trong việc phát hiện, không phát hiện các sai phạm có dấu hiệu tội phạm qua thanh tra chưa cụ thể, rõ ràng, nên việc phát hiện tội phạm qua thanh tra chưa được chú trọng. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có tâm lý né tránh, nể nang, coi trọng bệnh thành tích; thiếu kiên quyết, nghiêm khắc trong phát hiện, đấu tranh, xử lý sai phạm trong nội bộ.
Mặt khác, Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương chưa hướng dẫn việc phân công cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn rà soát, trách nhiệm các bên liên quan chưa được qui định cụ thể, rõ ràng.
Để nâng cao công tác rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới đề nghị Trung ương nghiên cứu, sớm ban hành quy định về khen thưởng, kỷ luật trong phát hiện các sai phạm có dấu hiệu tội phạm qua hoạt động thanh tra, đủ sức động viên, khuyến khích việc phát hiện tội phạm qua hoạt động thanh tra; sửa đổi Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW theo hướng cần có hướng dẫn việc phân công cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của Đoàn rà soát theo hướng giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan phối hợp.
Võ Bá Phong
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)