Hậu Giang: Triển khai các văn bản luật mới được ban hành

Thứ Ba, 13/10/2020, 06:02 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản luật gồm: Luật Doanh nghiệp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. 
 
    Luật Doanh nghiệp năm 2020 gồm 10 chương, 218 điều, luật đã bỏ quy định về hộ kinh doanh, không quy định về việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và sẽ ban hành một luật riêng để điều chỉnh 5 triệu hộ kinh doanh thuộc đối tượng này. Trong thời gian chờ đợi, Chính phủ sẽ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh. Luật cũng nêu rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.
 
Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị
    Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm 04 chương, 42 Điều, quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án… Theo quy định của luật, hòa giải, đối thoại được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
 
    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020. Luật bổ sung 1 điều, 4 khoản và 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 điều, 22 khoản và 9 điểm với nhiều nội dung mới. Cụ thể, luật đã bổ sung quy định: “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi”.  
 
    Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, hòa giải thương mại, thừa phát lại... 
                                                                                              P.V
.