Hòa Bình: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Chủ Nhật, 17/11/2019, 06:47 [GMT+7]
    Nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 02/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã triển khai Kế hoạch số 177/KH-UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 02/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. 
 
    Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 02/7/2014 của Tỉnh ủy Hòa Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu qủa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 11/01/2017 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người; giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài; giảm các vụ việc bức xúc, kéo dài, giảm số lượng đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp.
 
    Chính quyền các cấp tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh ngay tại cơ sở, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, không để phát sinh thành “điểm nóng'’. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Bộ, ngành Trung ương trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyêt khiếu nại, tố cáo, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định pháp luật, kịp thời xử lý các tình huống khi phát sinh các đoàn công dân khiêu nại, tố cáo đông người hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài lên tỉnh và Trung ương.
 
    Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ; nâng cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp trong công tác tiếp công dân; tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, gắn công tác tiếp công dân với kiểm tra, đôn đốc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác dân chủ, công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước; thường xuyên tiếp công dân, đối thoại với công dân để lắng nghe và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện kịp thời, triệt để các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, không để kéo dài; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo cơ quan cấp trên hoặc người có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Thực hiện nghiêm quy định về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc không tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu nại, tố cáo sai sự thật, làm phức tạp thêm tình hình.
 
    Tăng cường và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, thủ trưởng các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ trưởng các cấp, các ngành phải duy trì công tác tiếp công dân, chủ động xem xét, phối hợp lực lượng và đề ra biện pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài và các vụ việc mới phát sinh. Khi phát sinh vụ việc đông người, phức tạp phải tổ chức đối thoại công khai, dân chủ với công dân để làm rõ nội dung vụ việc và có biện pháp giải quyết dứt điểm; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, thống nhất biện pháp giải quyết dứt điểm, không để kẻ xấu lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo của công dân để kích động, lôi kéo, xúi giục gây áp lực đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
 
    Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ và nhân dân; quan tâm và có giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở tập trung chủ yếu tại các xã, phường, thị trấn. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có tinh thần trách nhiệm cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, sử dụng cán bộ, nhất là cơ quan Thanh tra các cấp.
 Đoàn Cần
.