Đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ Năm, 17/12/2020, 07:31 [GMT+7]
    Vừa qua, Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ và xây dựng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật.
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; ngày 20/06/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW với những định hướng mới mang tính chiến lược, là kim chỉ nam để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới. Để tổ chức thực hiện Kết luận số 08, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1521/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; kế hoạch đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và trách nhiệm, tiến độ thực hiện của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức, thói quen chấp hành, tuân thủ pháp luật của nhân dân.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hay, hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương để từ đó nghiên cứu, đề xuất nhân rộng, áp dụng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này.
 
    Trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý đất nước, phát triển xã hội, bám sát theo nội dung, tinh thần Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW cũng như Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
    Tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật gắn với đổi mới nội dung, hình thức triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tránh phô trương, hình thức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả. Các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục khảo sát, đánh giá đối với từng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật cụ thể; chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá về hiệu quả của từng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật để xem xét, nhân rộng trong cả nước hoặc trong từng Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
                                                                               Thu Hương
.