Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giám sát trong hoạt động công vụ

Thứ Năm, 09/01/2020, 14:21 [GMT+7]
    Ngày 08/01, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
    Theo Báo cáo, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 212 cuộc kiểm toán, đến nay các cuộc kiểm toán đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ, chấp hành tốt quy chế, quy định của Nhà nước và của ngành.
 
    Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 31/12/2019 là 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 10.276 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản, nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 82 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
    Đến ngày 31/12/2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 63.102 tỷ đồng, đạt 70,4% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; đã thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 19 văn bản; tổng hợp kiến nghị xử lý trách nhiệm 29 tập thể và cá nhân theo quy định....
 
    Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận, công tác năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính mặc dù có nhiều nỗ lực, số thu tuyệt đối lớn (63.102 tỷ đồng), nhưng về tỷ lệ thực hiện vẫn còn thấp hơn (đạt 70,4%); việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu...
 
    Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận Kiểm toán Nhà nước đã ngày càng tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện rõ nét vai trò của mình, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các kết quả kiểm toán là căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định và giám sát các nội dung về ngân sách nhà nước và đầu tư công. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng giúp Chính phủ kịp thời nắm được tình hình để tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành.
 
    Về nhiệm vụ năm 2020, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động phối hợp và cung cấp các thông tin kịp thời, xác thực phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
 
    Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2020 theo đúng quy định của pháp luật, trong đó tập trung kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và các nội dung phục vụ cho đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
 
    Chủ tịch Quốc hội đề nghị, toàn ngành và từng kiểm toán viên nhà nước phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, trách nhiệm, trung thực, bảo đảm nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; đồng thời không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động; bảo đảm công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ; phân tích, đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp tăng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
 
    Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát và giám sát trong hoạt động công vụ; thực hiện các giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng, tính gương mẫu, liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện sai trái, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
                                                                                       Tiến Dũng
.