Tổ chức Minh bạch Quốc tế: Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính

Thứ Sáu, 12/11/2021, 05:19 [GMT+7]
    Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh) đang thu hút sự quan tâm khi tình hình khí hậu trái đất đang báo động hơn bao giờ hết. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và tính liêm chính để đảm bảo hành động hiệu quả chống lại khủng hoảng khí hậu.
 
    Trong các cuộc thảo luận thường niên của COP, TI cảnh báo, nếu không được đề cập đến một cách trực tiếp, tham nhũng sẽ tiếp tục phá hoại hành động chống biến đổi khí hậu cho đến khi động lực quan trọng này bị mất đi.
 
Khai mạc Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)
Khai mạc Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)
    Tham nhũng vẫn là một rào cản lớn đối với sự thành công của các biện pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bởi ở đó, những kẻ cơ hội tìm thấy mảnh đất màu mỡ với số tiền khổng lồ. Chỉ riêng trong năm 2018, tài chính toàn cầu dành cho chống khủng hoảng khí hậu đã đạt tổng cộng 546 tỷ USD. Trong khi đó, những kết quả tích cực từ COP25 vẫn còn rất ít và cần phải hành động nhiều hơn nữa trong năm nay. Nhiều công ty được biết đến là phá hoại hành động chống biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp là nhà sản xuất chính của phát thải khí nhà kính, nhưng vẫn được cho phép... Các nước phát triển vẫn chưa chia sẻ cân bằng về tài chính khí hậu. Và việc thành lập thị trường các bon vẫn thiếu các cơ chế chống tham nhũng.
 
    Theo TI, cần khẩn trương thay đổi quan điểm và tăng tốc các nỗ lực hướng tới minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính để đảm bảo hành động hiệu quả chống lại khủng hoảng khí hậu.
 
    Cùng với đó, TI kêu gọi các nhà lãnh đạo COP26 đảm bảo các nền kinh tế tiên tiến hành động có trách nhiệm và báo cáo tốt hơn về việc thực hiện cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia nghèo hơn theo Hiệp ước Copenhagen; cải thiện "khuôn khổ minh bạch nâng cao" của Thỏa thuận Paris để bao gồm đăng ký công khai các tuyên bố của đại diện chính phủ và các nỗ lực của khu vực tư nhân nhằm vận động hành lang hoặc tác động đến chính phủ các quốc gia nhằm trì hoãn và làm suy yếu chính sách ứng phó biến đổi khí hậu; đảm bảo Điều 6 của Thỏa thuận Paris về tính liêm chính trong thị trường các bon bằng cách bao gồm một cơ chế giải quyết khiếu nại tích hợp mạnh mẽ, cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội.
 
    Hội nghị COP 26 kéo dài 2 tuần đầu tháng 11 với sự tham gia của đại diện trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
                                                                                                 P.V
.