Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp – kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Thứ Tư, 23/11/2022, 12:33 [GMT+7]
    Sáng 23/11/2022, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp – kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái Đoàn EU tại Việt Nam và Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
 
    Tham dự Hội thảo có gần 70 đại biểu đại diện: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đại diện lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
    Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam nằm trong khuôn khổ dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam" do Bộ Tư pháp Việt Nam là cơ quan chủ quản. Đồng chí nhấn mạnh, để đảm bảo sự tuân thủ liêm chính tư pháp thì một trong những cơ chế không thể thiếu là cơ chế giám sát đối với các hoạt động tư pháp. Ở Việt Nam, thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ khi thành lập đến nay đã khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, thiết yếu của công tác lãnh đạo; như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên” và Văn kiện Đại hội lần này cũng đã xác định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Trong đó, giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp là một loại giám sát có tính đặc thù trong tổng thể cơ chế giám sát đối với quyền lực nhà nước nói chung, phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu của Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc tăng cường vai trò của công tác giám sát này sẽ góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người…
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo
    Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, dù đã có luật pháp và quy định, thực tế thực hiện tư pháp rất quan trọng. Đại sứ hoan nghênh tiến độ thực hiện cải cách tư pháp của Việt Nam nhằm đảm bảo các giá trị cốt lõi là độc lập, vô tư, liêm chính, đúng đắn, bình đẳng, năng lực và chuyên cần.
 
    Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã thiết lập tương đối tốt luật pháp, chính sách về chống tham nhũng và thúc đẩy liêm chính tư pháp cũng như cơ chế giám sát liêm chính tư pháp. Việc xây dựng các bộ Quy tắc ứng xử, đạo đức dành cho Thẩm phán (2018), Công tố viên (2017) và Luật sư (2019) là những ví dụ rõ ràng về tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng trong việc triển khai và thực thi các công cụ này. Bà Khalidi đánh giá cao vai trò lãnh đạo và nỗ lực của Ban Nội chính Trung ương trong việc thúc đẩy liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ tư pháp. Bà ghi nhận, báo cáo nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo sự tuân thủ liêm chính của cán bộ tư pháp có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với nhóm dễ bị tổn thương và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.
 
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
    Báo cáo nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp – kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam của nhóm nghiên cứu cho thấy, liêm chính tư pháp đòi hỏi khách quan và cơ bản của mọi quốc gia về một nền tư pháp trong sạch, là yếu tố quan trọng quyết định đến tính nghiêm minh, độc lập, công bằng và chất lượng, hiệu quả của một nền tư pháp; liêm chính tư pháp là một phạm trù đạo đức, nhưng là đạo đức bắt buộc của người thẩm phán, là giá trị hình thành nên nhân cách, là phẩm chất cốt lõi của người Thẩm phán; không có thẩm phán liêm chính thì cũng không có một nền tư pháp liêm chính; xây dựng một nền tư pháp liêm chính với đội ngũ cán bộ tư pháp liêm khiết, trung thực, dám dấn thân cho việc duy trì, bảo vệ lẽ phải và công lý “phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc” là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay và đã được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng… đồng thời, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị, như: Làm tốt công tác quy hoạc, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ tư pháp; có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp; chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp thực sự “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; thực hiện nghiêm chế độ công khai thông tin và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của Nhân dân; phát triển đồng bộ hệ thống bổ trợ tư pháp, đặc biệt là luật sư, công chức, giám định tư pháp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật trong lĩnh vực tư pháp nói riêng…
 
Bà Ramla Khailidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Bà Ramla Khailidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
    Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung phân tích kinh nghiệm thực hiện cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp của một số nước như Australia, Singapore, Đan Mạch; thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp đối với các chức danh tư pháp tại Việt Nam. Qua các ý kiến trao đổi cho thấy: Các quốc gia đều đòi hỏi đội ngũ cán bộ tư pháp cần có sự liêm chính, chính trực; tính chuyên cần; sự tuân thủ pháp luật; bảo đảm tính độc lập, khách quan, vô tư, công bằng; không lợi dụng vị trí công tác của mình vào mục đích cá nhân; cần tránh những cám dỗ, rủi ro, xung đột lợi ích, thậm chí vi phạm pháp luật,... Chính vì vậy, cần có những cơ chế giám sát cả bên trong và bên ngoài của các thiết chế nhà nước, xã hội và người dân đối với hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp...
 
    Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao chất lượng báo cáo, tham luận được trình bày tại Hội thảo. Các ý kiến phát biểu sâu sắc, phong phú và bổ ích. Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để làm cơ sở cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp tại Việt Nam thời gian tới.
Đặng Phước – Anh Hưng
.