Điểm báo tuần số 410 từ ngày 08/3 đến ngày 14/3 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 15/03/2021, 10:54 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Đại đoàn kết, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục, Hà Nội mới, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/3) đồng loạt phản ánh các nội dung Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa XIII) khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị lần này bàn thảo những vấn đề hết sức quan trọng đó là thảo luận Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước; và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, vấn đề nhân sự mà Hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc của Đảng đã thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hoà của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung; cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khoá tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển; công tác nhân sự cần được tiến hành theo đúng các quy định của Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, đúng với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước…
Báo Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục, Hà Nội mới, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/03) cho biết, một nhóm người ở tỉnh An Giang và ngoài tỉnh đã bàn bạc lên kế hoạch để tác động điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác với giá 20 tỷ đồng. Theo tin từ Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang, trước đó Công an tỉnh thực hiện chuyên án mang bí số 192M. Sau thời gian theo dõi, lực lượng Công an tỉnh An Giang đã thần tốc khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Trần Trí Mãnh, trú đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gia Thịnh. Sau khi khám xét, Công an đã tạm giữ Mãnh cùng các tang vật liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ tùng và nhớt xe gắn máy một số thương hiệu. Trong quá trình mở rộng vụ án, Mãnh khai báo một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến Mãnh. Một số đối tượng đã liên hệ và giao cho Mãnh tìm người có quen biết với cấp trên để dùng tiền nhằm tác động đến người có thẩm quyền với mục đích điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác do gần đây Công an tỉnh liên tục triệt phá nhiều vụ án lớn trong tỉnh gây tiếng vang. Các đối tượng đã thú nhận, nhận 2,6 tỷ đồng và đã chia nhau tiêu xài; đây là vụ án rất đặc biệt và chưa có tiền lệ tại An Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng liên quan.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Dân trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10/3) cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia vừa ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo này. Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục trang thiết bị phòng thủ dân sự (PTDS) (hoàn thành Quý I/2021); tổng kết các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng thủ dân sự (hoàn thành Quý II/2021); xây dựng Chiến lược Quốc gia phòng thủ dân sự (hoàn thành Quý III/2021); xây dựng Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 (hoàn thành trong năm 2021)… Quyết định cũng phân công cụ thể cơ quan chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập; chỉ đạo công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự; chỉ đạo công tác kiểm tra.
Báo Thanh niên, Công an nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Tuổi trẻ, VietNamPlus, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (11/3) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Vũ Thị Kim Phượng (51 tuổi), Lê Văn Lạc (55 tuổi, cùng ngụ xã Phước Tín, TX.Phước Long), Nguyễn Thị Kim Duyên (43 tuổi) và Lê Văn Sang (49 tuổi, cùng ngụ xã Đắc Ơ, H.Bù Gia Mập) cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo cáo trạng, từ năm 2015, Vũ Thị Kim Phượng đã lên các kênh Youtube để tìm hiểu về tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" - là tổ chức phản động lưu vong do Đào Minh Quân cầm đầu, thành lập ngày 10/02/1991 tại Mỹ. Được Vũ Thị Kim Phượng xúi giục, Lê Văn Lạc, Nguyễn Thị Duyên và Lê Văn Sang cũng tham gia tìm hiểu về Đào Minh Quân, tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời". Đồng thời cả 3 bị cáo là những đồng phạm, hoạt động đắc lực thu thập danh sách 1.595 người đăng ký làm thành viên tham gia trưng cầu dân ý, bầu Đào Minh Quân làm tổng thống. Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Vũ Thị Kim Phượng 13 năm tù giam cùng 5 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án; Lê Văn Lạc 7 năm tù giam cùng 2 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án; Nguyễn Thị Kim Duyên 6 năm tù giam cùng 2 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án; Lê Văn Sang 5 năm tù giam cùng 2 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành án phạt với cùng tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Báo Nhân Dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, An ninh Thủ đô (13/3) cho biết, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an chủ trì buổi làm việc với Công an một số đơn vị để triển khai các giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm và bàn về các giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm ít nhất 5% số vụ phạm pháp hình sự hằng năm.Tại buổi làm việc, các đại biểu thẳng thắn trao đổi, chỉ ra những mặt còn khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm, từ đó đề xuất các giải pháp, nhất là các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm ít nhất 5% số vụ phạm pháp hình sự hằng năm.Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, để thực hiện thắng lợi các giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, công an các đơn vị, địa phương phải thực hiện tốt cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm; đây là vấn đề có ý nghĩa căn cơ lâu dài. Bộ trưởng yêu cầu, lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương bám sát các chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước và các nghị quyết, chỉ đạo của Ðảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm. Ðồng thời, cần kịp thời phát hiện, động viên, khuyến khích, nhân rộng các cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm tại các địa phương...
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Thanh tra, Hà Nội mới, TTXVN (13/3) đưa tin, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Ðảng năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, trực tuyến tại 70 điểm cầu trên cả nước. Năm 2020, ngành Tổ chức xây dựng Ðảng đã nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó nổi bật là tham mưu tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội XIII của Ðảng thành công tốt đẹp, bảo đảm tiến độ, với nhiều nội dung, cách làm mới, hiệu quả; tập trung tham mưu, xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế về sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác tổ chức và cán bộ; tham mưu công tác nhân sự Ðại hội XIII khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng…Về nhiệm vụ năm 2021, toàn ngành Tổ chức xây dựng Ðảng bám sát nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tập trung triển khai thực hiện một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tổ chức thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống; phối hợp tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp về công tác tổ chức xây dựng Ðảng; phối hợp kiện toàn, phân công đối với các chức danh lãnh đạo Ðảng, Nhà nước theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước; tham mưu phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thường xuyên về công tác tổ chức xây dựng Ðảng; coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm"; chủ động phối hợp cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Ðảng, tập trung triển khai các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng tổ chức bộ máy gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 205 của Bộ Chính trị; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "chạy chức", "chạy quyền"; không bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu của từng cá nhân, đơn vị; thực hiện có hiệu quả "5 hóa" trong tổ chức thực hiện công việc, đó là "Hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa văn bản pháp quy; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tự động hóa tổ chức thực hiện; tối ưu hóa kết quả hoạt động"; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền gắn với tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng mang tên "Búa liềm vàng" lần thứ VI - năm 2021.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Thanh tra, Chính phủ điện tử, TTXVN (09/3) đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa ra ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Chương trình nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN).Chương trình nêu rõ sẽ nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo nội dung kết luận chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; sẽ tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực tuyển dụng, bổ nhiệm...); phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng...
Báo Pháp luật Việt Nam, Hà Nội mới, VietNamPlus, VNExpress, VietNamNet, Dân trí, TTXVN (11/3) cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) tổ chức hội nghị lần thứ 3 xem xét, thông qua 10 chương trình công tác toàn khóa và chương trình công tác năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy. Tại hội nghị, đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình xây dựng Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về “nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”. Chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN thực sự trong sạch, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; liêm chính, chí công vô tư, thực sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về PCTN, lãng phí…
Báo Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Hà Nội mới, Đài TNVN (11/3) dẫn nguồn tin từ Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đã phối hợp Công an phường Nam Đồng vận động đối tượng truy nã Lê Thanh Giang ra đầu thú. Theo hồ sơ, Giang từng là nhân viên Trung tâm Hoá chất và Thương mại tổng hợp ở quận Ba Đình. Tháng 8/2002, Giang đã làm giả hoá đơn chứng từ chiếm đoạt số tiền 5.5 tỷ đồng của Công ty, sau đó trốn sang Nga. Căn cứ vào tài liệu chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã bị can đối với Giang về tội "Tham ô tài sản". Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, ngày 8/2/2021 liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Toà án nhân dân TP. Hà Nội đã có “Thư kêu gọi đầu thú” gửi gia đình đối tượng Lê Thanh Giang, đề nghị gia đình vận động con em mình đầu thú. Đến ngày 8/3/2021 đối tượng Giang đã đã đến Cơ quan Công an đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật.
Báo Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Lao Động, Nhà báo và Công luận, Thanh Niên, Sài gòn giải phóng, VNExpress, VietNamNet, Tiền phong, Dân trí (12/3) đưa tin, Công an tỉnh An Giang đang điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Trốn thuế” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, liên quan 10 đối tượng tại 6 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tri Tôn và TX.Tân. Liên quan tới vụ án, Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi làm việc của 3 cán bộ chi cục thuế tại các địa phương Tân Châu - An Phú, Tịnh Biên - Tri Tôn là Trần Thanh Việt, Dương Hoàng Chiến và Trần Cao Sang đã tiếp tay cho các doanh nghiệp trốn thuế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng. Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án để xử lý nghiêm minh các đối tượng có liên quan theo pháp luật.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, VietNamNet, Dân trí, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12/3) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ). Tại phiên tòa, có 12 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội danh” Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, bị cáo Ðinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị xét xử về hai tội danh “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.
Báo Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Nông nghiệp, Tuổi Trẻ, VnExpress (13/3) dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, vừa kỷ luật nguyên hiệu trưởng, nguyên hiệu phó cùng các cán bộ liên can vụ sai phạm, lạm thu của sinh viên gần 20 tỷ đồng. Trong đó, ông Trương Quang Thuận, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa bị kỷ luật cảnh cáo vì khi còn làm hiệu trưởng đã có các hành vi vi phạm, khuyết điểm trong việc chỉ đạo thu học phí hệ ngoài công lập năm học 2016-2017 vượt quy định. Ông Lê Đức Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của trường bị kỷ luật cảnh cáo, vì không tham mưu cho lãnh đạo trường điều chỉnh mức thu học phí hệ ngoài công lập theo đúng quy định; thiếu trách nhiệm trong công tác tham mưu, chấp hành pháp luật về tài chính... Ngoài vi phạm liên quan đến việc sử dụng tài chính trái quy định pháp luật, theo kết luận thanh tra theo đơn tố cáo sai phạm tại Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa của Thanh tra tỉnh, trường này đã lạm thu của sinh viên tới gần 20 tỷ đồng trong ba năm từ 2016 đến năm 2018. Liên quan đến vụ việc trên, vào cuối năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa đã quyết định phục hồi điều tra, giải quyết tố giác tội phạm về dấu hiệu chiếm đoạt tiền quỹ tại Trường cao đẳng Y tế Khánh Hòa đối với ông Lê Đức Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính...
Báo Công lý (13/3) cho biết, Công an TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Văn Dậu, Cán bộ phụ trách xây dựng, quản lý đô thị phường 11, TP. Vũng Tàu và Lê Văn Lương, là thầu xây dựng, về tội "Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ". Theo kết quả điều tra ban đầu, để xây được nhà trên đất nông nghiệp Lê Văn Lương đã móc nối và đưa cho Lê Văn Dậu số tiền 50 triệu đồng để “bảo kê” cho phép xây dựng trái phép. Tại Cơ quan Công an, Lương và Dậu khai nhận hành vi phạm tội.
TIN QUỐC TẾ
Báo Thanh tra (10/3) cho biết, một tòa án Tunisia đã kết án Belhassen Trabelsi, anh vợ của cựu Tổng thống bị phế truất Zine al-Abidine Ben Ali, 10 năm tù vì tội tham nhũng.Vào ngày 14/01/2011, khi Tunisia bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình chống Chính phủ, Belhassen, một doanh nhân giàu có, đã bỏ trốn bằng du thuyền đến Ý.Cùng ngày, Ben Ali bay đến Ả Rập Xê Út.Belhassen sau đó bay đến Canada và sống ở Montreal cho đến năm 2016 thì bị từ chối tị nạn. Sau 3 năm trốn chạy, Belhassen bị bắt vào tháng 3/2019 ở miền Nam nước Pháp.Tunisia đã tìm cách dẫn độ Belhassen khỏi Pháp kể từ đó. Belhassen bị buộc tội gian lận, biển thủ và rửa tiền thu lợi từ các hành vi phạm tội ở Tunisia.Tòa cũng tuyên phạt Sami Fehri, chủ sở hữu Kênh truyền hình El Hiwar, 8 năm tù trong cùng vụ án.Ngoài án tù, tòa cũng phạt Belhassen và Sami Fehri 40 triệu dinar (14,5 triệu USD) vì đã sử dụng kênh truyền hình nhà nước vì lợi ích của một công ty tư nhân và chuyển doanh thu quảng cáo cho công ty của họ.
Báo Tuổi trẻ, Thanh tra, VietNamPlus (12/3) cho biết, Thẩm phán Tòa án Nouakchott, Thủ đô của Mauritania đã buộc cựu Tổng thống Mohamed Ould Abdel Aziz và khoảng 10 người khác tội tham nhũng, sau cuộc điều tra về thời gian cầm quyền kéo dài một thập kỷ của ông. Vào tháng 8/2020, cuộc điều tra của Quốc hội đã chính thức chuyển báo cáo về các vấn đề của cựu Tổng thống cho Văn phòng Công tố Nhà nước. Động thái này đã thúc đẩy một cuộc cải tổ Chính phủ ở Mauritania, với việc Tổng thống Ghazouani thay thế 4 Bộ trưởng có tên trong cuộc điều tra. Tháng 12/2020, ông Aziz mất quyền lãnh đạo Đảng Liên minh Cộng hòa do ông thành lập. Một nguồn tin của AFP cho biết, danh sách các cáo buộc chống lại ông Aziz rất dài, bao gồm rửa tiền, tham nhũng và cản trở công lý.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
Khai mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa XIII)
Lừa điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác với giá 20 tỷ đồng
Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia ban hành Chương trình công tác năm 2021
Tiếp tục phiên xử vụ nhà máy Ethanol Phú Thọ
Cựu Tổng thống Mohamed Ould Abdel Aziz bị buộc tội tham nhũng
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG