Điểm báo tuần số 317 từ ngày 27-5 đến ngày 01-6 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 03/06/2019, 15:40 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Tiền Phong, Giao thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài THVN, TTXVN (27-5) đồng loạt phản ánh các nội dung tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự. Các đại biểu Quốc hội dành trọn ngày đầu tiên của tuần làm việc thứ hai để nghe và thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Nội dung quan trọng, được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi là thảo luận tại hội trường (ngày 30-5 và sáng 31-5) về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Trong phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ; thảo luận tại tổ về: dự án Luật lực lượng dự bị động viên; Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Bộ luật Lao động (sửa đổi); việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
 
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
    Báo Điện tử Chính phủ, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Nhà báo và Công luận, Sức khỏe và Đời sống, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô (27-5) đưa tin, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6); Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý (ngày 26-6), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy; hậu quả và tác hại của việc sử dụng, sản xuất và buôn bán ma túy đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội; trong đó, tập trung vào các loại ma túy, ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ như cần sa, ketamin, "ma túy đá", "tem giấy", "cỏ Mỹ", "bóng cười"... Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện Tháng hành động phòng, chống ma túy; chỉ đạo các lực lượng tập trung điều tra, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán ma túy lớn, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; tăng cường kiểm duyệt, điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giới thiệu, mua bán, khuyến khích sử dụng ma túy, các chất gây nghiện, chất gây ảo giác trên mạng internet, mạng xã hội; tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp lái xe dương tính với các chất ma túy trong quá trình tham gia giao thông.
 
    Theo tin từ báo Nhân Dân, Nghệ An, Công an nhân dân, VietnamNet (31-5), Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Năng Tĩnh, quê quán xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu; cư trú tại xóm 6, xã Nghi Phú, thành phố Vinh; nguyên giáo viên Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Khoản 1, Ðiều 117, Bộ luật Hình sự. Theo tài liệu và chứng cứ thu thập của các cơ quan chức năng, Nguyễn Năng Tĩnh là đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, hình ảnh có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước… nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện, vụ án đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Văn hóa, Tài nguyên và Môi trường,  Xây dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (31-5) đăng tải các nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Sau khi các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề về thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp: Yêu cầu các bộ, ngành nghiêm túc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tránh hình thức, để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tránh lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng. Đối với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo: Cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ và chất lượng đề ra; không cắt hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối. Tiêu cực tham nhũng trong việc điều kiện kinh doanh này, trong khi còn mấy vạn điều kiện, nhất là một số ngành trực tiếp xuất nhập khẩu hàng hóa; đây là điểm cản trở cho sản xuất. Thủ tướng cũng chỉ đạo tránh sự chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về những gian lận thi cử vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xử lý nghiêm. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có kế hoạch, phương án đảm bảo để các kỳ thi sắp tới diễn ra thành công trên cả nước. Các địa phương chủ động, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân về chất lượng kỳ thi, không để xảy ra tiêu cực; bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, minh bạch, trong sạch, thành công…
 
    Báo Công lý, Bảo vệ pháp luật, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Đời sống và pháp luật, Doanh nghiệp Việt Nam, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thanh Niên, VietnamNet, Đài THVN (31-5) cho biết, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức công bố Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24-5-2019 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ Luật hình sự về tội rửa tiền. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới nhưng đang có diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng hiệu quả loại tội phạm này, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong áp dụng. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành hơn 1 năm qua cho thấy, vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết để hướng dẫn áp dụng quy định của luật như làm rõ về khái niệm tội phạm nguồn; một số tình tiết định tội; tình tiết định khung hình phạt... Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành 7-7-2019.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Giáo dục và Thời đại, Doanh nghiệp Việt Nam, Hà Nội mới, Đài THVN, TTXVN (31-5) đưa tin, Đoàn Kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngày 30-10-2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với việc triển khai, tổ chức thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên” và kiểm tra việc triển khai, quán triệt Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh. Cụ thể, kiểm tra kết quả thực hiện tự nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các nghị quyết, quy định; tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong việc thực hiện các nghị quyết, quy định.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Công lý, Tiền Phong,  An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Đài TNVN, TTXVN (27-5) dẫn thông tin từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, đã ban hành cáo trạng truy tố ông Mai Vinh Quang, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan điều tra xác định việc ông Mai Vinh Quang ký xác nhận hồ sơ nghiệm thu và thanh toán đối với các hạng mục chưa thi công tại công trình Kho lưu trữ tài liệu tỉnh Đắk Nông với giá trị hơn 2,1 tỷ đồng là trái với quy định. Sai phạm này dẫn đến việc công trình chậm tiến độ hơn 5 năm, gây lãng phí vốn đầu tư công. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông xác định thiệt hại do hành vi của ông Quang gây ra là hơn 111 triệu đồng.
 
    Theo Báo Nghệ An, Công an nhân dân, Công lý, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp Việt Nam, Nhà báo và Công luận, Dân trí, VnExpress, Đài TNVN (27-5), Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu; khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Vinh, nguyên Trưởng Ban;  bà Nguyễn Thị Bích Thủy, nguyên Kế toán; bà Ngũ Thị Mai và Cao Thị Vân, nguyên Thủ quỹ. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳnh Lưu, ông Vinh đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền lập khống một số hồ sơ thanh, quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước, không tổ chức chi trả tiền cho các hộ dân theo các quy định mà chỉ chi trả một phần trong số ngân sách được cấp về để rút ngân sách nhà nước với số tiền hơn 752 triệu đồng.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Đài TNVN (28-5) cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội thảo về giải pháp tăng cường công tác phòng, chống, tham nhũng. Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, người dân tích cực nhất trong việc phát hiện tố giác và tố cáo những hành vi tham nhũng, những biểu hiện bất thường và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh, xem xét xử lý. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp không thể tham gia phòng, chống tham nhũng có hiệu quả nếu không dựa vào các tổ chức thành viên, người có uy tín, tiêu biểu, cốt cán ở cơ sở và sự tham gia trực tiếp của người dân. Một trong những giải pháp mà nhiều đại biểu đề cập đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Đồng thời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phải vận động và huy động được sự tham gia tích cực của Nhân dân, của báo chí vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người đưa tin, Tuổi  Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Đài TNVN (29-5) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại phường 11, quận 6, TP. Hồ Chí Minh. 04 bị cáo, gồm: Quách Văn Loan, nguyên cán bộ chuyên trách giảm nghèo, tăng hộ khá; Trần Ngọc Tân và Nguyễn Thị Thanh Lan, đều là nguyên Phó Chủ tịch UBND phường; Phùng Thị Lộc, nguyên Phó Ban giảm nghèo, tăng hộ khá kiêm thủ quỹ. Kết quả điều tra cho thấy, Quách Văn Loan đã lập khống 267 hồ sơ vay vốn và thu hồi vốn vay Quỹ xóa đói, giảm nghèo nhưng không nộp lại mà chiếm đoạt 7,3  tỷ đồng tiêu xài cá nhân. Loan bị xét xử về tội “Tham ô tài sản”, 03 bị cáo còn lại bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
    Báo Tây Ninh, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên (29-5) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh tuyên phạt đối với 4 bị cáo, nguyên là cán bộ Ban quản lý dự án huyện Hòa Thành, về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo đó, bị cáo Cao Sơn Nhân, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án bị tuyên phạt 6 năm tù; Dương Thị Thu Hòa, nguyên Kế toán trưởng, 4 năm tù; Nguyễn Thiên Dân, nguyên Phó trưởng Ban quản lý dự án phụ trách xây dựng dân dụng, 3 năm tù và Đỗ Tú Toàn, nguyên thủ quỹ kiêm cán bộ kỹ thuật giám sát công trình, 2 năm tù. Theo cáo trạng, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý vốn ngân sách của UBND huyện Hòa Thành trong việc đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm do huyện làm chủ đầu. 04 bị cáo trên đã tạm ứng 8 tỷ đồng của ngân sách và chi sai mục đích, sai đối tượng hợp đồng và không thu hồi khi có điều kiện, gây thiệt hại 2,9 tỷ đồng; cố ý làm trái trong việc chi tạm ứng 3,9 tỷ đồng tiền bảo hành công trình, gây thiệt hại 849,9 triệu đồng.
 
    Báo Phú Yên, Bảo vệ pháp luật, Công an nhân dân, Công lý, Pháp luật Việt Nam, Doanh nghiệp Việt Nam, Dân trí (29-5) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên vừa mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Tuấn, nguyên kế toán Chi Cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên mức án tù chung thân về tội tham ô tài sản. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nguyên, nguyên thủ quỹ Chi cục Kiểm lâm Phú Yên bị tuyên phạt mức án 8 năm tù. Bị cáo Phan Văn Công, nguyên Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Phú Yên bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Từ tháng 4-2015 đến tháng 10-2017, Huỳnh Ngọc Tuấn đã lập khống nhiều chứng từ để “rút ruột” công quỹ 91 lần với tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng. Nguyễn Thị Thanh Nguyên biết Tuấn “rút ruột” công quỹ nhưng vẫn tiếp tay. Phan Văn Công buông lỏng kiểm tra tài chính, đã ký duyệt 74 chứng từ để cho Tuấn và Nguyên có cơ hội tham ô hàng chục tỷ đồng.  
 
    Báo Thanh Hóa, Công lý, Giao thông, Thanh tra, Người lao động (31-5) cho biết, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa. Lợi dụng làm thủ quỹ, Lê Thị Thanh đã lập khống 19 hợp đồng thế chấp rồi qua mặt cấp trên vay 7,38 tỷ  đồng để chiếm đoạt số tiền trên, gây thiệt hại cho quỹ hơn 14 tỷ đồng. Các bị cáo: Lê Quang Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Thế Hai, Giám đốc; Hồ Thị Phương Thanh, cán bộ tín dụng; Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thị Uyên, thủ quỹ biết rõ sai phạm của Lê Thị Thanh, nhưng vẫn quyết định và giải ngân cho vay là trái với các quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử, tuyên phạt Lê Thị Thanh tù chung thân và phải bồi thường hơn 14 tỷ đồng cho Quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Trinh; Hồ Thị Phương Thanh 10 năm tù; Nguyễn Thế Hai 8 năm tù; Lê Quang Sơn 5 năm tù; Nguyễn Thị Giang 2 năm tù và Nguyễn Thị Uyên 18 tháng tù.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (28-5) theo nguồn tin từ Truyền hình Nhà nước Algeria Ennahar TV cho biết, Tòa án Tối cao Algeria đã tiếp nhận hồ sơ và sẽ tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan đến 7 chính trị gia cấp cao. Những người này bao gồm: 02 Cựu Thủ tướng là ông Ahmed Ouyahia và ông Abdelmalek; 05 cựu Bộ trưởng: Amara Benyounes, Abdelakader Zaalane, Amar Ghoul, Karim Djoudi và Abdessalam Bouchouareb. 
 
    Báo Pháp luật Việt Nam (30-5) cho biết, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã quyết định cấm mọi hoạt động bóng đá của Tai Nicholas, cựu Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương (OFC) trong vòng 8 năm, sau khi phát hiện ông đã lợi dụng chức vụ để chiếm dụng tiền của FIFA và nhận hối lộ. Ngoài án cấm, ông bị phạt gần 50.000 USD cho hành vi sai trái tài chính. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi quyết định được ban hành
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
 
    - Kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương tại Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
 
    - Truy tố nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông.
 
    - Tuyên án với 4 bị cáo, nguyên là cán bộ Ban quản lý dự án huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.