Đồng Tháp: Thực hiện chương trình trọng tâm cải cách tư pháp

Thứ Tư, 31/08/2022, 08:07 [GMT+7]
    Ngay từ đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch công tác cải cách tư pháp năm 2022; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về cải cách tư pháp; duy trì hoạt động thường xuyên theo quy chế làm việc; góp ý đối với dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và dự Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy do Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tư pháp tổ chức.
 
Công an tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm cho học sinh, sinh viên của trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp (tháng 6/2022)
Công an tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm cho học sinh, sinh viên của trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp (tháng 6/2022)
    UBND tỉnh triển khai thực hiện các quy định về lĩnh vực tư pháp, ban hành kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh; công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành năm 2021 hết hiệu lực. Sở Tư pháp đã thẩm định 27 dự thảo văn bản, góp ý 21 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Hội Luật gia tỉnh tích cực tham gia góp ý trên 300 văn bản, dự thảo văn bản và văn bản quy phạm pháp luật.
 
    Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kịp thời, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; chất lượng công tác điều tra, truy tố tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung thấp, chiếm tỷ lệ 1,8%; phát động Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, lồng ghép truyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm; duy trì 86 mô hình đảm bảo an ninh trật tự hiệu quả, xây dựng mới 03 mô hình. Qua đó, kịp thời trao đổi, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
 
    Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp để chống oan, sai, không bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn kiểm sát việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực, kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, số kháng nghị, kiến nghị được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận vượt chỉ tiêu của Ngành đề ra, góp phần quan trọng tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
 
    Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Tòa án nhân dân các huyện đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc; chất lượng công tác xét xử đã có những chuyển biến tích cực, các  phiên tòa đều được tiến hành theo đúng quy định về tố tụng và tinh thần cải cách tư pháp, chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; quan tâm việc công khai các bản án, quyết định của Tòa án; tổ chức 95 phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp các cơ quan tư pháp tổ chức 09 phiên tòa trực tuyến. Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt kết quả khả quan, đã hòa giải, đối thoại thành 717 vụ, việc, chiếm tỷ lệ 48,9%.
 
    Các cơ quan tư pháp củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ đảm bảo về số lượng và chất lượng; kiện toàn chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh tư pháp từng cấp; hoàn thành công tác quy hoạch lãnh đạo, quản lý, giai đoạn 2021-2025; quan tâm đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, khoa học, chuẩn hóa về trình độ các chức danh tư pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
    UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh”, yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nội dung chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản; Chỉ thị tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản... kiện toàn kịp thời đội ngũ, tổ chức bổ trợ tư pháp; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá, thừa phát lại. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Tháp và 02 chi nhánh đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 98 vụ việc. Hội Luật gia tỉnh và các chi hội trực thuộc đã tư vấn được 1.147 vụ việc, trợ giúp pháp lý 1.062 vụ việc; tham gia hòa giải thành 351 vụ việc.
 
    Hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp được quan tâm, có nhiều đổi mới. Từ đầu năm đến nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát các vụ việc thực hiện pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; trong đó, có giám sát đối với các cơ quan tư pháp, gồm: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức Đoàn khảo sát những vụ việc thi hành án dân sự còn tồn đọng, kéo dài tại các địa phương.
Tuệ Minh
.