Hội thảo quốc gia: Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Thứ Năm, 17/03/2022, 19:52 [GMT+7]
    Ngày 17/3/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo đồng chủ trì Hội thảo.  
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Tham dự Hội thảo có hơn 160 đại biểu, gồm: Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; thành viên Ban Chỉ đạo; thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phía Nam và vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
     
    Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nhấn mạnh, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn trong Hiến pháp năm 1946, Cương lĩnh 1991; đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII chính thức xác định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân”, và Cương lĩnh 2011 khẳng định “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là 01 trong 08 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...”. 
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu khai mạc Hội thảo
    Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã tổ chức hai cuộc Hội thảo Quốc gia tại Hà Nội và Đà Nẵng và hôm nay là Hội thảo Quốc gia lần thứ ba. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được sự tham gia rất tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý am hiểu sâu sắc về lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 40 bài tham luận được chuẩn bị công phu; có chuyên gia, nhà khoa học gửi 2-3 bài với nội dung phong phú, đề cập nhiều vấn đề mới, đột phá cho Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. 
 
    Đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đề nghị các đại biểu dự Hội thảo phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, mạnh dạn đề cập những vấn đề cần giải quyết, từ đó đề xuất những vấn đề thuyết phục, có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
 
    Tại Hội thảo, có 10 tham luận và 9 ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng, như: Các quan điểm, vấn đề, giải pháp có tính đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; những vấn đề đột phá trong cách tiếp cận, đổi mới nhận thức trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2030, định hướng đến năm 2045; những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những vấn đề cốt lõi, đột phá trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; một số vấn đề trọng tâm trong hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực - điểm đột phá quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; những vấn đề mới, đột phá nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tư duy về quyền tư pháp, thực trạng và tiếp tục đổi mới; đổi mới tư duy cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính quốc gia đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản trị nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tổng kết Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tổng kết Hội thảo
    
    Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”  đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực của Ban Nội chính Trung ương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của các nhà khoa học, chuyên gia làm công tác thực tiễn đã chuẩn bị chu đáo, dành thời gian nghiên cứu, viết bài và bố trí thời gian tham dự Hội thảo; các đại biểu đã dày công nghiên cứu sâu về lý luận nhà nước pháp quyền cũng như lịch sử xây dựng nhà nước pháp quyền của các quốc gia trên thế giới; đã phân tích, làm rõ tinh thần pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa ra cái nhìn xuyên suốt, có hệ thống về tư tưởng pháp quyền trong các văn kiện của Đảng và các bản Hiến pháp Việt Nam. 
 
    Đồng chí Chủ tịch nước khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hướng tới một nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, sớm đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đồng chí nhấn mạnh, Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có tầm quan trọng đặc biệt; đây là thời cơ rất thuận lợi, với những điều kiện chín muồi để tạo được bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
    Đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án yêu cầu, Tổ Biên tập xây dựng Đề án tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, nhất là những đề xuất, kiến nghị giải pháp có tính mới, đột phá để hoàn thiện Đề án; đối với những vấn đề mà các đại biểu đề xuất các phương án khác nhau, cần khẩn trương tổ chức tọa đàm để lựa chọn phương án phù hợp, khả thi nhất. Đồng chí mong rằng, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc hơn, cụ thể, chi tiết hơn trong các buổi tọa đàm, giúp Ban Chỉ đạo  hoàn thành Đề án để trình Trung ương trong tháng 10 năm 2022.
Đặng Phước – Anh Hưng
.