Nam Định: Chú trọng công tác cải cách tư pháp

Thứ Ba, 19/05/2020, 12:28 [GMT+7]
    Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tư pháp tỉnh Nam Định đã triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của chiến lược cải cách tư pháp, chương trình công tác  năm 2020 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ cải các tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
 
    Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản tiếp tục được triển khai thực hiện tốt, đảm bảo đúng quy định và đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Sở Tư pháp đã thẩm định 10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương; tham gia đóng góp ý kiến đối với 08 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 3.383 văn bản do UBND tỉnh ban hành; góp ý dự thảo sử đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
 
Tòa án nhân dân huyện Mỹ Lộc phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, xét xử sơ thẩm vụ án “Trộm cắp tài sản”
Tòa án nhân dân huyện Mỹ Lộc phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, xét xử sơ thẩm vụ án “Trộm cắp tài sản”
    Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức và bộ máy; tiến hành sát nhận 06 đơn vị cấp phòng có tính chất công việc tương đồng thành 03 đơn vị theo Quyết định số 31-QĐ/VKSTC, ngày 31/01/2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các đơn vị sau sáp nhập đã ổn định tổ chức, phân công, phân nhiệm và đi vào hoạt động bình thường từ ngày 15/02/2020.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương 4, 6,7 và 8 (khóa XII) và các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; chỉ đạo các đơn vụ chủ động có giải pháp thích hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án; đặc biệt chú trọng xem xét giải quyết các vụ án hành chính, tranh chấp đất đai, kinh doanh thương mại.
 
    Cục Thi hành án dân sự xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch luân chuyển cán bộ và chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ các cơ quan thi hành án tỉnh; tăng cường  chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có chức danh tư pháp bảo đảm đủ về số lượng và đáp ứng về chất lượng; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phát huy tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, cưỡng chế thi hành án và công tác miễn, giảm thi hành án.
 
    Hiện nay, trên toàn tỉnh có 44 luật sư đang hoạt động tại 17 tổ chức hành nghề luật sư; trong đó, có 04 công ty luật và 13 văn phòng luật sư. Ngoài ra, còn có 03 chi nhánh hành nghề luật sư ở các địa phương khác đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư tham gia chủ yếu vào công tác tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Các luật sư còn tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng chính sách.
 
    Sở tư pháp tỉnh đã trình UBND tỉnh thành lập và cấp đăng ký hoạt động cho 02 văn phòng công chứng, đăng ký tập sự hành nghề công chứng cho 01 trường hợp; đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên cho 01 trường hợp, đăng ký kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng cho 03 trường hợp; báo cáo về việc chấp hành pháp luật của một số cơ quan, tổ chức trong hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh gửi Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh.
 
    Thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã chú trọng và quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nhằm nâng cao nhận thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, làm công tác tư pháp bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuệ Minh
.