Quảng Ninh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ Năm, 09/05/2024, 16:17 [GMT+7]
    Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa tổ chức họp giao ban định kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân để thảo luận, cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
 
    Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 10/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng tiêu cực theo hướng trọng tâm, trọng điểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, tự kiểm tra, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phổ biến, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
 
    Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhất là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; trong lập, thẩm định phê duyệt, dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi làm và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước; trong quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác quản lý, thẩm định, đấu thầu dự án và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
 
    Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động, tỉnh đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức của 100% sở, ngành theo quy định; ban hành kế hoạch tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách, đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023-2026; thực hiện tinh giản biên chế đối với 63 trường hợp. Trong cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 30% đến 60%. Hiện toàn tỉnh có hơn 9.000 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
 
    Trên cơ sở đánh giá toàn diện những mặt đã đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần phải xác định đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu và từng cơ quan, địa phương, đơn vị.
 
    Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, nhất là người đứng đầu đối với nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tập trung ở các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và người đứng đầu một số các sở, ngành trong công tác lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong đầu tư công và chi thường xuyên ngay từ khâu lập dự toán hoặc điều chỉnh dự toán ngân sách hằng năm. Đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh phân cấp, quản lý ngân sách nhà nước, giao nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án đầu tư công. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công, đất đai, tài sản công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng tài sản công…
P.V
.