Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh họp phiên thứ nhất

Thứ Hai, 01/08/2022, 13:38 [GMT+7]
    Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh vừa họp phiên thứ nhất để thảo luận Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì Phiên họp.
 
    Theo báo cáo tại Phiên họp, ngay sau Hội nghị Trung ương 5, với tinh thần hết sức khẩn trương, nghiêm túc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, thống nhất quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh. 
 
Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp
    Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Phiên họp đã thảo luận, thống nhất Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác định kỳ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện theo đúng Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
 
    Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Ban Chỉ đạo thống nhất tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo trong thúc đẩy các cấp, ngành, các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 145-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, than, khoáng sản, công tác cán bộ…
 
    Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức. Trọng tâm là kiểm soát quyền lực ở những nơi đang thực hiện mô hình hợp nhất, thí điểm, kiêm nhiệm chức danh...
 
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm; công tác quản lý giáo dục cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
    Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương; chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế, chức vụ đã phát hiện, khởi tố thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo.
 
    Triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo được chuyển biến thực chất, rõ rệt và hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
                                                                             P.V
.