Nghệ An: Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ Hai, 11/07/2022, 07:25 [GMT+7]
Cải cách hành chính (CCHC) là một trong 3 mũi nhọn đột phá nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, nâng cao tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động và hạn chế cơ hội tham nhũng, tiêu cực. Tại Nghệ An, 06 tháng đầu năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch covid 19 nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An và các cấp, ngành đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt với nhiều biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 5158/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh về Chương trình cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 21/02/2022 chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An và nhiều văn bản để xác định chỉ số CCHC và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các kế hoạch kiểm tra công tác CCHC...UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng, vận hành hệ thống thông tin báo cáo điện tử của tỉnh đối với các báo cáo định kỳ, tăng cường tuyên tuyền về công tác CCHC. Vì vậy đã có 100% sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chương trình cải cách hành chính năm 2022 và kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 tại cơ quan, đơn vị, địa phương; 22/41 nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC của tỉnh đã hoàn thành (đạt 54%). Tính đến 31/5/2022, UBND tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra công tác CCHC tại 06 đơn vị; 08 cuộc kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh |
Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ tham nhũng, tiêu cực là do hệ thống thủ tục hành chính quá rườm rà dẫn đến chậm trễ, tiêu cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân, doanh nghiệp, vì thế UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để tăng cường công tác cải cách thể chế. 6 tháng đầu năm 2022, cấp tỉnh đã ban hành được 34 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tham gia góp ý 167 văn bản, thẩm định 28 lượt dự thảo văn bản. Việc góp ý, thẩm định văn bản đảm bảo quy trình, thủ tục. Các hoạt động kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Đã tổ chức rà soát 734 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ ngày 30/5/2022 trở về trước; thành lập 03 đoàn kiểm tra 03 đơn vị cấp huyện...
Cùng với cải cách thể chế, công tác cải cách thủ tục hành chính được tỉnh xem là một trong những điều kiện tiên quyết để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phòng, chống tham nhung, tiêu cực, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Kết quả, các sở, ngành đã rà soát tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 06 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính với 223 thủ tục đồng thời thực hiện rà soát, cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết; tăng cường việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Bên cạnh đó nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và các bộ phận một cửa ở các huyện, thành, thị. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tại Trung tâm hành chính công tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ ràng, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Việc cải cách tổ chức bộ máy và chế độ công vụ được quan tâm triển khai có hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Công tác phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thực hiện rõ ràng. 6 tháng đầu năm 2022, đã quyết định ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ cho 05 đơn vị. Việc sử dụng biên chế hành chính và số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh được thực hiện đúng quy định không vượt quá số lượng được giao. Công tác đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá phân loại, thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp thực hiện đúng theo các quy định hiện hành. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ cho 18 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tổ chức được 36 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Các sở, ban, ngành đã triển khai tổ chức quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 công khai, dân chủ, đúng quy định.
Về cải cách tài chính công: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 18/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; tiếp tục giao cho các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan quản lý nhà nước...
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, công tác cải cách hành chính ở Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng thể chế cải cách hành chính được đẩy mạnh. Nhiều quy trình, thủ tục hành chính được cắt giảm để đơn giản, gọn nhẹ, đúng quy định, công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động hành chính góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đồng thời phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện công vụ và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Lê Thị Thủy
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An)