Ninh Bình: Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng

Thứ Tư, 30/06/2021, 05:47 [GMT+7]
    Trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực ở cả 3 khâu: phòng ngừa, phát hiện và xử lý, đặc biệt là khâu phòng ngừa. Do vậy, đã cơ bản ngăn chặn được các hành vi tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, một số lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều yếu tố dễ xảy ra tham nhũng như: đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, tài chính, chính sách xã hội; việc ban hành, tổ chức thực hiện một số chế độ chính sách chưa kịp thời, chưa thật sự nghiêm túc; một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ được giao để có hành vi tham nhũng đến mức phải xử lý hình sự.
 
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ năm, nhiệm kỳ 2020-2025
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ năm, nhiệm kỳ 2020-2025
    Từ việc xác định, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về công tác phòng, chống tham nhũng. Chương trình xác định công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh, trong đó phòng ngừa là chính, phát hiện, xử lý là quan trọng, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; lấy kết quả công tác PCTN là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên hằng năm; coi PCTN là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
 
    Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra 02 nhóm chỉ tiêu về PCTN, đó là: Nhóm chỉ tiêu về phòng ngừa: 100% các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận, thông báo của Đảng; các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN được quán triệt, triển khai, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật PCTN; phấn đấu 100% dịch vụ công đáp ứng yêu cầu được cung cấp trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được quản lý, xử lý và luân chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); phấn đấu 100% cấp ủy viên các cấp gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các quy định về nêu gương. 
 
    Nhóm chỉ tiêu về phát hiện, xử lý: 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng phải được chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật; 100% tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng được giải quyết đúng quy định; 100% các vụ án về tham nhũng, kinh tế phải được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, đạt trên 60%.
 
    Để công tác PCTN đạt hiệu quả cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Chương trình số 06-CTr/TU:
 
    Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác PCTN. Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; trong các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy phải có nội dung về công tác PCTN; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng.
 
    Hai là, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN.
 
    Ba là, tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để PCTN.
 
    Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra Đảng với thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện; chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
 
    Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân đối với công tác PCTN; tăng cường giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác PCTN; phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội.
 
    Sáu là, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường hiệu quả phối hợp của các cơ quan nội chính trong công tác PCTN, trọng tâm là: Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; rà soát sửa đổi, bổ sung chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác; kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập và kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; đẩy mạnh cải cách hành chính…
 
    Bảy là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác  PCTN tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch, vững vàng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
 
    Với quyết tâm chính trị cao, tin tưởng rằng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác PCTN.  Trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đảm bảo nghiêm minh, kịp thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa tiến tới “không dám” tham nhũng, “không muốn” tham nhũng nhằm đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
                                                            Bích Hạnh
                                                  (Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)
.