Thanh Hóa: Công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính

Chủ Nhật, 23/05/2021, 06:19 [GMT+7]
    Những năm gần đây, công tác cải cách hành chính được tỉnh Thanh Hóa chú trọng thực hiện đồng bộ và quyết liệt từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đây được xem là chìa khóa quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của tỉnh. Thước đo hiệu quả đầu tiên có thể thấy rõ đó chính là sự hài lòng của Nhân dân, doanh nghiệp...
 
    Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều cách làm sáng tạo đã được thực hiện nhằm loại bỏ những rào cản giữa công dân với chính quyền địa phương. Nổi bật như mô hình “hòm phiếu đánh giá sự hài lòng”; “hòm thư góp ý”; công khai xin lỗi khi giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ...  Ngoài mục tiêu “3 giảm” là, giảm thời gian đi lại, giảm thời gian chờ đợi và giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính, những mô hình này đã khắc phục đáng kể tình trạng nhũng nhiễu, trả hồ sơ không đúng hẹn; thể hiện văn hóa ứng xử thân thiện, cởi mở, tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
 
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa
    Bằng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, như: Màn hình điện tử hiển thị thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ; kios lấy số thứ tự, hệ thống xếp hàng tự động; thiết bị đọc mã vạch tra cứu thông tin; hệ thống phần mềm một cửa điện tử tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính..., Trung tâm đang từng bước nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính.
 
    Từ những giải pháp quan trọng trên, trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận trên 16.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tập trung chủ yếu vào thủ tục hành chính của các đơn vị: Sở Tư pháp (8.117 hồ sơ); Sở Công Thương (3.120 hồ sơ); Sở Y tế (1.361 hồ sơ); Sở Giao thông - Vận tải (1.253 hồ sơ); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (500 hồ sơ); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (279 hồ sơ),... vượt rất xa so với cùng kỳ năm 2020 (4 tháng đầu năm 2020 chỉ có 1.473 hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, 4). Đến nay, các thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại trung tâm là 645/1.558 thủ tục hành chính, trong đó có 104 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 541 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
 
    Kết quả đạt được từ việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm đã giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử đang là hướng đi đúng để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền và Nhân dân, giúp tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), qua đó góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
                                                                                           Tiến Dũng
.