Hải Dương: Củng cố, kiện toàn các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 28/04/2021, 06:37 [GMT+7]
    Từ năm 2013-2020, Bộ máy tổ chức của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng tỉnh Hải Dương được kiện toàn, sắp xếp, tinh giản theo đúng chủ trương của Đảng, các quy định của Chính phủ, đề án của tỉnh đã được phê duyệt. Kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phòng chuyên môn gắn với chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo Quy định 04-QĐ/TW ngày 25/07/2016 của Ban Bí thư. Thực hiện thí điểm mô hình chủ nhiệm UBKT cấp ủy đồng thời là Chánh Thanh tra tại huyện Thanh Hà, huyện Thanh Miện và thị xã Kinh Môn. Tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp được sắp xếp, bố trí theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tuân thủ nghiêm các luật tổ chức các cơ quan tư pháp (Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Thi hành án dân sự). Tính đến hết năm 2019, cơ bản tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đều đã được kiện toàn, sắp xếp theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của ngành dọc cấp trên. 
 
Một Hội nghị của Ban Nội chính Tỉnh ủy Hải Dương
Một Hội nghị của Ban Nội chính Tỉnh ủy Hải Dương
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1066-QĐ/TU ngày 18/11/2019 về sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đối với công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; trong đó quy định rõ trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan nội chính, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ nội chính và phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan nội chính thực hiện có nền nếp các quy chế phối hợp giữa các ngành hàng năm tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác phối hợp và đề ra nghị quyết phối hợp năm sau, kịp thời xây dựng và bổ sung hoàn thiện các quy chế phối hợp giữa các cơ quan nội chính của tỉnh để phù hợp với yêu cầu hoạt động của các cơ quan hoặc khi có thay đổi các quy định của pháp luật. Các ngành nội chính trong tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện tốt các quy chế phối hợp trong các lĩnh vực: tiếp nhận, giải quyết khiếu nại - tố cáo trong hoạt động tư pháp; trong quản lý giải quyết nguồn tin về tội phạm; trong tạm giam, tạm giữ, thì hành án hình sự và kiểm sát việc tạm giam, tạm giữ, thi hành án hình sự; trong thực thi quyền công tố, kiểm sát xét xử và xét xử vụ án hình sự, án trọng điểm, phiên tòa tổ chức xét xử rút kinh nghiệm và xét xử lưu động; trong trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Việc thực hiện tốt các quy chế phối hợp giữa các ngành nội chính đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính trong tỉnh. 
 
    Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phát huy vai trò, thực hiện có kết quả công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan nội chính trong tỉnh; tham mưu giúp Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thông báo để định hướng hoạt động của các cơ quan nội chính hàng năm; giúp Tinh ủy đánh giá công tác năm của các ngành nội chính. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề để kịp thời phát hiện những mặt còn tồn tại, hạn chế của các cơ quan nội chính tham mưu giúp Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo. Chủ động phối hợp với các ngành thường xuyên rà soát các vụ án, vụ việc xảy ra trên địa bàn đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Tỉnh ủy; theo dõi, đôn đốc các cơ quan tư pháp giải quyết các vụ án, vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn; kịp thời tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy cho chủ trương, định hướng xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Thường xuyên phối hợp với các huyện ủy, thị ủy, thành ủy nắm tình hình, thông qua giao ban định kỳ, các văn bản, báo cáo, các đơn vị đầu mối thực hiện công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng tại địa phương, đơn vị.
 
    Bên cạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn với nhau; Cấp ủy, chính quyền; các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng địa phương còn thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan ngành dọc cấp trên trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là các nội dung công việc liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng chặt chẽ, kịp thời và có hiệu quả cao.
                                                                                      Mai Loan
.