Hà Nội: Tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020

Thứ Sáu, 23/04/2021, 07:08 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị. 
 
    Theo báo cáo tại Hội nghị, trong những năm qua, thành phố luôn quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận; có bước tiến quan trọng, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng trên địa bàn.
 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
    Thành phố đã tập trung thực hiện hiệu quả 5 nhóm giải pháp về phòng, chống tham nhũng, gồm: Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
 
    Từ ngày 01/6/2009 đến ngày 01/6/2020, các đơn vị thanh tra trên toàn Thành phố đã tổ chức triển khai 3.136 cuộc thanh tra, đã kết luận 3.078 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm trên 3.597 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.380 tỷ đồng, kiến nghị khác trên 1.185 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi trên 2.000 ha đất, xử lý hành chính 523 tập thể và 579 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính trên 375 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 57 cuộc. 
 
    Từ ngày 01/6/2009 đến ngày 01/6/2020, các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp 237.109 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 230.960 đơn các loại (khiếu nại 45.988 đơn, tố cáo 23.300 đơn, kiến nghị, phản ảnh 161.672 đơn); thụ lý và giải quyết 18.160/18.319 vụ khiếu nại và 6.612/6.647 vụ tố cáo thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi 22,5 tỷ đồng và 17,5 ha đất; kiến nghị trả lại quyền lợi cho công dân 43,8 tỷ đồng và 3,7 ha đất; kiến nghị điều chỉnh 109 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; bán bổ sung 08 nhà tái định cư, thu hồi và điều chỉnh 31 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý về hành chính 229 tập thể và 389 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 30 vụ.
 
    Công an Thành phố đã thụ lý điều tra 256 vụ/627 bị can (trong đó khởi tố: 240 vụ/610 bị can). Đã giải quyết 221 vụ/601 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố thụ lý 207 vụ/579 bị can. Truy tố, chuyển Tòa: 204 vụ/568 bị can. Tòa án nhân dân Thành phố đã xét xử sơ thẩm 352 vụ/1059 bị cáo; giải quyết: 342 vụ/1023 bị cáo (trong đó: xét xử 265 vụ 777 bị cáo, trả hồ sơ điều tra bổ sung 77 vụ 246 bị cáo); đang giải quyết 10 vụ 36 bị cáo. Số tiền tài sản trong các vụ án tham nhũng xét xử đã được thu hồi là hơn 7.623 tỷ đồng.
 
    Phát biểu kết luận Hội nghị, Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ghi nhận những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phối thời gian qua. Đồng chí cho rằng, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài và xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
 
    Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố cần tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, các cấp, các ngành cần quán triệt mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện mục tiêu: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.
 
    Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như quản lý tài chính, đầu tư xây dựng, mua sắm công, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát.
                                                                                                Hải Hà
.