Kiểm toán Nhà nước: Quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 20/11/2020, 07:33 [GMT+7]
    Từ năm 2013 đến nay, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng được Kiểm toán Nhà nước quan tâm, đẩy mạnh. Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền; xây dựng, hoàn thiện các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, có tác dụng phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2013-2020, phòng, chống tham nhũng đã ban hành gần 60 văn bản quy phạm pháp luật và hàng trăm văn bản chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành hoạt động kiểm toán của toàn ngành có tác dụng phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực trong  hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán; đang xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
 
Một Hội nghị của Kiểm toán Nhà nước
Một Hội nghị của Kiểm toán Nhà nước
    Triển khai thực hiện Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị, Quyết định số 136-QĐ/TW ngày 22/5/2018 của Ban Bí thư về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "các quy định về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giải trình đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch”; chỉ đạo tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề "Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện”. 
 
    Ngay trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đang tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (hiệu lực từ 01/7/2020)  thuộc thẩm quyền; như: Quy định về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Quy định về kiểm tra, đối chiếu các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; Quy định việc truy cập, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán; Quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và xử lý vi phạm trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước.
 
    Từ năm 2017 trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước đã gửi thông báo danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán của các cuộc kiểm toán đến các đầu mối, đơn vị được kiểm toán (các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị được kiểm toán) trước ngày 31/12 hàng năm nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động kiểm toán và tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
 
    Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (ban hành kèm theo Quyết định 1562/QĐ-KTNN ngày 08/9/2016 ); thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán hàng năm; báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm đều được gửi và giải trình trước Quốc hội. Thực hiện quy định tại Điều 50, 51 Luật Kiểm toán Nhà nước, sau khi báo cáo Quốc hội, hàng năm Kiểm toán Nhà nước đều công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.
                                                                                     Xuân Dần
.