Bến Tre: Công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực

Thứ Bảy, 26/09/2020, 07:08 [GMT+7]
    Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Bến Tre đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đạt được nhiều kết quả tích cực. 
 
    Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (ngày 1/2/2013) đến nay, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác PCTN. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Trung ương, đưa nội dung PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của Tỉnh ủy gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.
 
Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của tỉnh Bến Tre
Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của tỉnh Bến Tre
    Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được tăng cường; công tác thanh tra, điều tra và xử lý đối với hành vi tham nhũng được kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định. Đặc biệt là đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các kiến nghị của Đoàn công tác số 4 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Qua đó, đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, mang tính răn đe, cảnh tỉnh chung. Đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN 23.922 cuộc, với 907.869 lượt người tham dự; phát hành 18.013 bản tin, tài liệu tuyên truyền. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt, cụ thể hóa thực hiện khá kịp thời, đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác PCTN, gắn với tình hình thực tiễn, nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
 
    Các giải pháp phòng ngừa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đó là các giải pháp về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong bộ máy chính quyền địa phương; về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn (đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 390 trường hợp).
 
    Thực hiện tốt cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt và việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định: Từ năm 2013 - 2018, toàn tỉnh có 56.361 lượt người thực hiện việc kê khai và đã thực hiện việc công khai bản kê khai (đạt tỷ lệ 100%); chưa phát hiện trường hợp vi phạm liên quan đến việc kê khai tài sản (năm 2019 tạm dừng việc kê khai tài sản, chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ)… góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các điều kiện phát sinh tham nhũng, lãng phí.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy địa phương tăng cường thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra nội bộ; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo công tác phòng chống “tham nhũng vặt”, góp phần ngăn chặn tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
 
    Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập 11 đoàn kiểm tra, rà soát và giải quyết tố cáo đối với 9 cấp ủy đảng trực thuộc Tỉnh ủy và 7 cá nhân là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức 9 đoàn kiểm tra, phúc tra về công tác nội chính và PCTN đối với 17 lượt cấp ủy, tổ chức đảng; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 tập thể và 13 cá nhân. Qua kiểm tra, kết luận có vi phạm và đã kỷ luật 7 đảng viên bằng hình thức “khiển trách”, 3 đảng viên hình thức “cảnh cáo”; kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm 2 tổ chức đảng và 3 đảng viên...
 
    Tiến hành 493 cuộc thanh tra hành chính (đã kết thúc 488 cuộc, đang tiến hành 5 cuộc); qua đó phát hiện 290 đơn vị sai phạm với tổng số tiền 141.166 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 39.344 triệu đồng, kiến nghị chấn chỉnh 101.822 triệu đồng; xử lý 114 tập thể và 318 cá nhân; kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 21 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Triển khai 345 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện.
 
    Cơ quan điều tra các cấp tiếp nhận, thụ lý 24 vụ việc (21 kiến nghị khởi tố và 3 tố giác tội phạm). Kết quả đã khởi tố hình sự 9 vụ, không khởi tố vụ án hình sự 12 vụ; đang xác minh, làm rõ 3 vụ. Phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử: Cơ quan điều tra thụ lý, điều tra 15 vụ/18 bị can; kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 14 vụ/17 bị can; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ/1 bị can. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xem xét, xử lý trách nhiệm 29 trường hợp tập thể, người đứng đầu để xảy ra sai phạm về tham nhũng.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu: Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động; cán bộ, đảng viên và người dân chưa mạnh dạn trong tố cáo hành vi tham nhũng; việc xác định nhiệm vụ, giải pháp thiếu cụ thể; chưa kịp thời sơ kết, đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; việc thực hiện toàn diện các giải pháp phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng từ nội bộ hoặc qua công tác thanh tra còn hạn chế; chưa phát huy được sức mạnh của toàn dân trong cuộc đấu tranh PCTN...
 
    Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo tình hình, để công tác đấu tranh PCTN có sự chuyển biến rõ rệt, đem lại hiệu quả tốt hơn, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp sau: 
 
    Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí” để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong hành động của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó tích cực tham gia đấu tranh PCTN, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, phục vụ tốt cho nhân dân.
 
    Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Chỉ đạo rà soát, bổ sung và ban hành các quy định trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; trong mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng nhà, đất công…; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính - ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách; thường xuyên tổ chức, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc PCTN tại các cơ quan, đơn vị.
 
    Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên tham nhũng, bao che cho tham nhũng, dù người đó ở chức vụ nào, đương chức, chuyển công tác hay đã nghỉ hưu. Lãnh đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, điều tra và kiểm sát trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
 
    Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đối với các hành vi tham nhũng; xử lý dứt điểm các vụ sai phạm còn tồn đọng. Thực hiện tốt công tác giải quyết đơn, thư tố cáo; xử lý kịp thời tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tham nhũng. Thường xuyên rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra.
 
    Năm là, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ các cơ quan có chức năng PCTN theo hướng vừa tinh gọn, vừa đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về PCTN.
 
    Sáu là, tăng cường trách nhiệm của HĐND các cấp, phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức thành viên và các cơ quan thông tin đại chúng trong PCTN. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân phát hiện tố giác các hành vi tham nhũng. Bảo vệ, khen thưởng xứng đáng đối với những người có thành tích xuất sắc, dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng.
                                                                                             P.V
.