Sóc Trăng: Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Thứ Ba, 21/07/2020, 07:27 [GMT+7]
    Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành, triển khai nhiều văn bản, nhất là liên quan đến Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. 
 
    Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh được kiện toàn với 13 thành viên và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban Chỉ đạo. Theo đó, thanh tra là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã tích cực tham mưu quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng  theo quy định. 
 
Thanh tra tỉnh Sóc Trăng tích cực kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại phức tạp trên địa bàn
Thanh tra tỉnh Sóc Trăng tích cực kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại phức tạp trên địa bàn
    Cụ thể, Thanh tra tỉnh đã tham mưu tổ chức hội nghị trực tuyến tuyên truyền về Luật Phòng, chống tham nhũng, cấp phát 180 bộ tài liệu tuyên truyền; 12.000 tờ bướm và 800 sổ tay nhấn mạnh những điểm mới của Luật phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh tuyên truyền trên cơ quan thông tin đại chúng. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai gần 950 lớp với trên 9.000 lượt người tham dự. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng như tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Các cấp, các ngành còn ban hành 81 văn bản để tổ chức triển khai quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. 
 
    Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 769/CT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành Thanh tra; trong đó, đặc biệt chú ý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công chức, nhân viên, đảng viên thuộc quyền quản lý công tác quản lý Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiến hành rà soát xác định có 1.291 vị trí việc làm có nguy cơ tham nhũng nhằm có giải pháp phòng ngừa; định kỳ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác thuộc danh mục vị trí phải chuyển đổi theo quy định. Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc tổ chức hoạt động đường dây nóng và hộp thư điện tử.
 
    Đến nay, có 22 sở, ban, ngành và 11 đơn vị huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức duy trì thực hiện việc công khai số điện thoại, địa chỉ hộp thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. 
 
    Công tác tiếp công dân được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Trong 1 năm, toàn tỉnh đã tiếp 3.480 lượt công dân với 1.327 vụ việc phản ánh, kiến nghị. Qua công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
 
    Tại những nơi thường xuyên tiếp xúc giao dịch với người dân, doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin giám sát bằng thiết bị ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến… UBND tỉnh còn ban hành nhiều văn bản để kiểm soát thủ tục hành chính, nâng cao cải cách hành chính và kết quả kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn. Từ đó, tạo được hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (tỉ lệ hài lòng chiếm trên 88%), tỉ số cải cách hành chính của tỉnh cũng tăng dần.     
 
    Thanh tra tỉnh còn lồng ghép trong các cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về thực hiện quy tắc ứng xử trong các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Qua đó, góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc cũng như tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tích cực tham mưu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 
 
    UBND tỉnh còn chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn; đã thành lập 2 đoàn tiến hành kiểm tra đột suất tại 10 cơ quan, đơn vị, địa phương và nội dung chủ yếu về: Việc chấp hành giờ giấc làm việc, thực hiện nội quy quy chế cơ quan của cán bộ, công chức, viên chức; hoạt động của bộ phận một cửa; ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; thực hiện văn hóa nơi công sở, văn hóa giao tiếp ứng xử. 
 
    Ngoài ra, các ngành, địa phương còn thực hiện kiểm tra đột xuất 186 cuộc đối với các cơ quan, tổ chức trực thuộc để kịp thời phát hiện, xử lý ngay hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. 
 
    Nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các ngành, các cấp cùng với những giải pháp phòng ngừa hiệu quả đã ngăn chặn tình hình “tham nhũng vặt”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị địa phương, tạo niềm tin trong nhân dân đối với cơ quan quản lý Nhà nước và cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ.
                                                                                         Mai Khôi
.