Quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023

Thứ Ba, 24/01/2023, 06:03 [GMT+7]
    I. Về đánh giá kết quả năm 2022
 
    Có thể khẳng định, năm 2022 khối lượng công việc của chúng ta rất lớn, có nội dung rất mới, rất khó, rất nhạy cảm, lại diễn ra trong điều kiện khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng của Covid-19, nhất là trong 6 tháng đầu năm. Nhưng nhờ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, phấn đấu của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban; sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 02 Ban Chỉ đạo; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, chúng ta đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ theo Kế hoạch đề ra; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao; vị thế, uy tín của Ban được củng cố và nâng cao. Báo cáo đã nêu đầy đủ, tôi xin khái quát trên 08 nhóm kết quả lớn sau đây:
 
    Một là, tập trung, khẩn trương, hoàn thành 06 Đề án lớn trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị(1); đồng thời, nghiên cứu, xây dụng 14 đề tài, đề án khoa học cấp Ban đảng. Đặc biệt là, Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” là một nhiệm vụ rất mới, rất khó, rất nhạy cảm, phạm vi rất rộng, với khối lượng công việc rất lớn, nhưng chúng ta đã hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Qua xây dựng Đề án này, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm lớn đó là: (1) Việc triển khai xây dựng Đề án phải được chuẩn bị hết sức công phu, bài bản, cụ thể, khoa học (từ thành lập Ban Chỉ đạo; thành lập Tổ biên tập, Thường trực Tổ biên tập; xây dựng Kế hoạch, Đề cương tổng thể, kế hoạch hội thảo, tọa đàm; nhất là xác định đúng và trúng các chuyên đề chuyên sâu, các nội dung hội thảo, các nội dung tọa đàm chuyên sâu phục vụ trực tiếp quá trình xây dựng Đề án); (2) Phát huy, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học. Đây là yếu tố quan trọng của sự thành công của Đề án. Nếu không có sự tham gia của các thầy, các chuyên gia, nhà khoa học, Đề án của chúng ta khó thành công; xin trân trọng cảm ơn các thầy, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về pháp lý của đất nước đã tận tâm, tận lực, không quản ngày đêm để giúp Ban Nội chính Trung ương; (3) Quyết tâm, quyết liệt, cụ thể, trách nhiệm, tâm huyết của Thường trực Tổ Biên tập, của cán bộ, công chức của Ban, mà trực tiếp, thường xuyên là Vụ Cải cách tư pháp và lãnh đạo Ban; (4) Tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đối với nhũng vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm, tạo sự thống nhất trong quá trình xây dựng Đề án; (5) Biết mở rộng, biết chắt lọc và chốt lại những vấn đề mấu chốt. Có thể khẳng định: Đề án nói chung và Nghị quyết số 27-NQ/TW nói riêng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là sản phẩm trí tuệ và sự kết hợp nhuần nhuyễn của tập thể các “nhà” lãnh đạo chính trị, các “nhà” hoạt động thực tiễn và các “nhà” khoa học. Qua đây, chúng ta càng thấy rõ, bất kể nhiệm vụ nào, dù khó đến mấy mà say mê, tâm huyết, trách nhiệm, chịu khó, có cách làm khoa học thì đều có thể thành công.
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
    Hai là, tiếp tục tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thưòng trực của 02 Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương). Nhất là: (1) Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác năm 2022 của 02 Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, phục vụ tốt các cuộc họp của 02 Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC; (2) Tham mưu tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN, TC giai đoạn 2012-2022, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về đấu tranh PCTN, TC; (3) Khẩn trương tham mưu ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc khẩn trương thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, góp phần đẩy mạnh công tác PCTN, TC ở địa phương, cơ sở; (4) Tham mưu ban hành Hướng dẫn về công tác phòng, chống tiêu cực; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; (5) Tham mưu, triển khai 08 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản; (6) Tham mưu biên tập cuốn sách một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác PCTN, TC của đồng chí Tổng Bí thư.
 
    Ba là, công tác theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có nhiều cố gắng; chủ động, nhạy bén, quyết liệt, hiệu quả hơn. Điểm mới, kết quả nổi bật trong công tác này là: (1) Tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt hơn cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của Thường trực Ban Chỉ đạo; (2) chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, tham mưu chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, vừa bảo đảm sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên vi phạm; (3) Tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác giám định, định giá tài sản(2); (4) Tham mưu chỉ đạo kiểm tra, thanh tra một số lĩnh vực chuyên môn sâu, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực(3); (5) Chủ động, kịp thời tham mưu đưa 10 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo(4), nhất là vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát,… được dư luận đồng tình, đánh giá rất cao; (6) Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; quyết liệt, cụ thể hơn trong tham mưu về chủ trương, quan điểm xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, bảo đảm tiến độ xử lý theo đúng yêu cầu, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo(5); (7) Quan tâm nhiều hơn trong tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu oan, sai, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm, nhất là các vụ án tại Long An, Đồng Nai, Cà Mau, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Thuận...
 
    Bốn là, tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và hoạt động của ngành Nội chính Đảng. Nhất là, tập trung xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Nội chính Đảng, tổ chức thành công 03 Hội nghị toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác ngành Nội chính Đảng có quy mô lớn nhất từ khi tái lập Ban đến nay(6); tích cực theo dõi, đôn đốc, phối hợp tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04 của Ban Bí thư; ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 27, Chỉ thị số 35, Quy định số 11 của Bộ Chính trị tại một số tỉnh ủy và Kế hoạch giám sát chuyên đề tại một số cơ quan, đơn vị; ban hành Kế hoạch để cụ thể hóa việc thực hiện Quy chế phối hợp với các cơ quan sau sơ kết 05 năm, triển khai xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, Ban cán sự đảng Chính phủ. Năm là, tích cực nghiên cứu, nâng cao chất lượng thẩm định, tham gia các đề án, văn bản quan trọng liên quan đến công tác nội chính, PCTN, TC, cải cách tư pháp. Nhất là, những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong các dự án luật, các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia...
 
    Sáu là, tham gia ý kiến về công tác cán bộ cơ bản bảo đảm chặt chẽ, công tâm, khách quan. Trong năm 2022 số lượng nhân sự Ban tham gia ý kiến ngày càng nhiều, liên quan đến công tác cán bộ hầu như Ban Tổ chức Trung ương đều xin ý kiến của Ban Nội chính, trong đó, chúng ta đã tham gia ý kiến bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm với 155 sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quy hoạch đối với 444 nhân sự của 63 địa phương và trên 200 nhân sự của các cơ quan Trung ương.
 
    Bảy là, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu xử lý những vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nâng cao công tác theo dõi, tham mưu chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phối hợp tham mưu hướng dẫn, chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự ở địa phương.
 
    Tám là, hợp tác quốc tế; công tác tổ chức, cán bộ, thi đua, khen thưởng, xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng đi vào nền nếp, đạt nhiều kết quả; chất lượng, hiệu quả công tác của các vụ, đơn vị tiếp tục được nâng lên. Ký kết văn bản hợp tác với Ủy ban Chính pháp Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tổ chức tốt Đại hội các chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025; tuyển chọn, bổ sung biên chế, kiện toàn lãnh đạo các vụ, đơn vị; hoàn thành bổ sung, quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2021-2026, nhiệm kỳ 2026-2031. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ quan; Công đoàn, Đoàn Thanh niên có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Ban. Hoạt động của Tạp chí, Văn phòng có nhiều cố gắng, phục vụ chu đáo, kịp thời hoạt động của Ban và 02 Ban Chỉ đạo.
 
    Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi biểu dương các Vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong năm 2022; trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí trong thời gian qua.
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là: (1) Kiến thức, năng lực, kinh nghiệm, khả năng nghiên cứu, tổng hợp, khái quát, phát hiện vấn đề và kỹ năng viết của một số cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế, cần phải có giải pháp tích cực hơn. (2) Tiến độ thực hiện một số công việc vẫn còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác xử lý đơn, thư còn nhiều hạn chế; tham gia ý kiến về công tác cán bộ có lúc, có việc chưa kịp thời. (3) Hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình ở một số địa bàn chưa cao; có lúc, có việc chưa thực hiện tốt quy chế làm việc, quy định theo dõi địa bàn, chưa đúng vai, thuộc bài.  (4) Công tác xây dựng Đảng, hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên vẫn còn những hạn chế như báo cáo đã nêu.
 
    II. Về nhiêm vụ trọng tâm năm 2023
 
    1. Về công tác tham mưu, giúp việc 02 Ban Chỉ đạo:
    
    - Khẩn trương tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2023 của 02 Ban Chỉ đạo. Chuẩn bị tốt nội dung tài liệu, phục vụ chu đáo các Phiên họp của Ban Chỉ đạo, Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.
 
    - Lựa chọn lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực để tham mưu Ban Chỉ đạo PCTN, TC tiến hành kiểm tra chuyên đề chuyên sâu, không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
 
    - Bám sát tiến độ các vụ án, vụ việc, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo đúng yêu cầu, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Chú ý đôn đốc việc xử lý các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
 
    - Chủ động nghiên cứu, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
 
    2. Tập trung, khẩn trương tham mưu xây dựng các Đề án theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023: (1) Đề án: “Nghiên cứu, đề xuất Ban Bí thư sửa đổi Quy chế phối hợp giũa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”; (2) Đề án: “Tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; (3) Đề án: “Nghiên cứu đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”; (4) Đề án: “Cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.
 
    3. Khẩn trương ban hành Kế hoạch của Ban về thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 27- NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Chủ động nắm, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết. Nhất là, việc xây dựng, thực hiện 42 nhóm nhiệm vụ cụ thể để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, trong đó trước mắt tập trung hoàn thành 12 nhiệm vụ, đề án đã được quán triệt tại Hội nghị toàn quốc ngày 05/12/2022 vừa qua.
 
    4. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, PCTN, TC và cải cách tư pháp. Nhất là tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến sâu vào các quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; các Đề án liên quan đến tổ chức, hoạt động các cơ quan nội chính; các dự án Luật trình Quốc hội thông qua trong năm 2023, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự...
 
    5. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và PCTN, TC ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương. Nhất là: (1) Kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh; (2) Khẩn trương ban hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ ngành Nội chính Đảng; (3) Nâng cao hơn nữa hiệu quả giao ban và báo cáo công tác nội chính hàng tháng; chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự; các vụ, việc sai phạm về tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, báo chí phản ánh, dư luận xã hội quan tâm; (4) Xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, PCTN, TC và cải cách tư pháp của Ban năm 2023. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các đoàn kiểm tra, giám sát theo kế hoạch ban hành trong năm 2022; (5) Khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện các Quy chế phối họp với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội; xây dựng Quy chế phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ.
 
    6. Chấn chỉnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xử lý đơn, thư gửi Ban và Ban Chỉ đạo; kịp thời tham gia ý kiến về công tác cán bộ, khắc phục cho được tình trạng trả lời chậm, trả lời không đúng mục đích, yêu cầu về công tác cán bộ.
 
    7. Tiếp tục sắp xếp, bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức theo Đề án vị trí việc làm; kiện toàn lãnh đạo các vụ, đơn vị. Chú ý hướng dẫn, giúp đỡ các đồng chí mới, nhất là các sinh viên xuất sắc mới được tuyển dụng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thi đua, khen thưởng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm quy chế làm việc và các quy định nội bộ của Ban, trong đó các đồng chí lãnh đạo Ban, lãnh đạo vụ phải gương mẫu, đi đầu thực hiện, tiếp tục xây dựng cơ quan, đơn vị thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; nâng cao trách nhiệm, tâm huyết và hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên.
 
    Năm 2023 là năm bản lề quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mong các đồng chí phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra. Nhân dịp năm mới 2023 và Xuân Quý Mão sắp đến, thay mặt lãnh đạo Ban, tôi xin chúc tất cả các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
 
    (1) (1) Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; (2) Đề án quy định khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc khối các cơ quan nội chính theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mói; (3) Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; (4) Đề án tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC; (5) Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC; (6) Đề án “Quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.
    (2) Tổ chức Hội nghị do đồng chí Thường trực Ban Bí thư chủ trì; yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm kết luận giám dịnh, định giá; tiến hành kiểm tra về công tác giám định, định giá tài sản.
    (3) Thanh tra việc phát hành, sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản; mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng.
    (4) Gồm: (l) Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; (2) vụ án xảy ra tại TLC; (3) vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; (4) vụ án xảy ra tại Tập đoàn AIC; (5) sai phạm liên quan dự án bất động sản tại 33 Nguyễn Du, 34-36-42 Chu Mạnh Trinh; (6) các vụ án liên quan Nguyễn Thị Kim Hạnh; (7) Tập doàn Vạn Thịnh Phát và các công ty thành viên; (8) vụ việc sai phạm xảy ra tại dự án tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở, trường học ở 423 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội; (9) Vụ việc sai phạm trong cổ phần hóa tại Tổng Công ty Tín Nghĩa, Đồng Nai; (10) Vụ việc sai phạm xảy ra tại dự án khu dân cư Tân Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.
    (5) Tham mưu tổ chức 05 cuộc họp án liên ngành Trung ương và địa phương; ban hành 74 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tham mưu đường lối xử lý 53 vụ án, 34 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nghiên cứu tham mưu chủ trương phân loại xử lý các vụ án, vụ việc liên quan Công ty Việt Á,...
    (6) Tại Hà Nội, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh.
 
.