An Giang: Kết quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng năm 2022

Thứ Sáu, 04/11/2022, 07:22 [GMT+7]
    Trong 9 tháng năm 2022, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, đã giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; an ninh nội địa, dân tộc, tôn giáo, biên giới, nông thôn được đảm bảo; quan hệ đối ngoại tiếp tục được củng cố và mở rộng. Công tác phòng, chống tham nhũng được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm, qua đó đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đượcNhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
 
    Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn, qua đó góp phần kịp thời giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Tỉnh. 
 
Toà án nhân dân tỉnh xét xử bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tiền về tội“Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
Toà án nhân dân tỉnh xét xử bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Tiền về tội“Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”
    Ngành Thanh tra tiến hành 86 cuộc thanh tra hành chính, ban hành 56 kết luận. Qua thanh tra phát hiện vi phạm với tổng số tiền trên 3,9 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng, xử lý khác về kinh tế trên 1,8 tỷ đồng, kiểm điểm trách nhiệm 37 cá nhân và 05 tổ chức; chuyển cơ quan điều tra 01 vụ 03 đối tượng.  
 
    Ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 1.429 vụ, 1.440 bị can; đã giải quyết 876 vụ, 955 bị can; đang giải quyết 553 vụ, 486 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 527 vụ, 918 bị can; đã truy tố 472 vụ, 800 bị can, tiếp tục giải quyết 55 vụ, 118 bị can.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 11.187 vụ; đã giải quyết 6.766 vụ, tiếp tục giải quyết 4.421 vụ. Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức 04 phiên tòa hình sự trực tuyến; triển khai thực hiện phiên họp áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc).
 
    Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp thụ lý 17.429 việc, tương ứng hơn 4.224 tỷ đồng. Kết quả xác minh phân loại, có 11.920 việc tương ứng hơn 1.657 tỷ đồng có điều kiện thi hành án; đã giải quyết xong 9.092 việc tương ứng hơn 852 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,28% về việc và 51,41% về tiền, chuyển kỳ sau 7.968 việc tương ứng hơn 3.293 tỷ đồng.
 
    Trong kỳ báo cáo, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức “Khai trừ” đối với 11 cá nhân liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; cấp ủy, chính quyền, địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai 326 cuộc tuyên truyền, “Ngày pháp luật” với 37.418 lượt người tham dự; cấp phát 577 tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức đối với 166 người thuộc thẩm quyền quản lý. 
 
    Các ngành chức năng đã triển khai và thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Kết quả: Có 4.065 người thực hiện kê khai tại 48 đơn vị, trong đó có 33 người thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ, 4.032 người thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra tỉnh; đã công khai 100% các bản kê khai theo quy định. 
 
    Những tháng cuối năm 2022, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
 
    Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Chỉ đạo khắc phục tình trạng sợ sai, không dám làm, làm việc cầm chừng, phòng thủ trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác nội chính và cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong phạm vi thẩm quyền phải cụ thể hóa các chỉ đạo của cấp trên và đề ra các cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện nhiệm vụ nội chính, cải cách tư pháp phục vụ tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
 
    Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan pháp luật tỉnh sớm kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo và vụ án, vụ việc giao Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc.
Phan Xuân Quí
(Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang)
.