Thứ Ba, 26/11/2024, 23:30 [GMT + 7]
.
.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự

Thứ Ba, 05/08/2014, 14:51 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 4-8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức cuộc họp với cơ quan trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) và các cơ quan có liên quan về việc dự kiến tiếp thu, giải trình một số vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật. Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chủ trì cuộc họp.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn lớn còn có ý kiến khác nhau. Tại cuộc họp này, các đại biểu tập trung vào phát biểu một số vấn đề cơ bản sau:
Về phạm vi sửa đổi của dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật lần này và tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS. Phạm vi sửa đổi lần này chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, các quy định không còn phù hợp với thực tiễn; xác định rõ hơn nữa quyền, nghĩa vụ của đương sự; về trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong THADS; việc xác minh, truy tìm tài sản THA; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện THA, điều kiện xét miễn, giảm THADS...
Về quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án, nhiều ý kiến không tán với quy định này, bởi bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án về nguyên tắc các cơ quan, tổ chức, cá nhân đương nhiên phải thi hành và việc thi hành bản án, quyết định đó là nhằm bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án. Việc quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành và không đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng: quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án bảo đảm quyền tự nguyện, tự thỏa thuận và tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện để người được thi hành có thể lựa chọn về thời gian, phương thức thi hành án phù hợp. Ngoài ra, nếu bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án sẽ làm thay đổi cơ bản Luật THADS, phải sửa đổi, bổ sung thêm nhiều điều, khoản trong Luật, không phù hợp với phạm vi sửa đổi Luật lần này
Về thẩm quyền ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định về cơ quan THADS ra quyết định thi hành án như luật hiện hành. Việc quy định giao cho Tòa án “quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành” như Dự thảo Luật có thể mang tính hình thức, không giải quyết được những vướng mắc hiện nay, không mang tính quyền lực tư pháp, làm phát sinh thủ tục, tăng biên chế, phát sinh khiếu nại và không phải là vấn đề bức xúc cần sửa đổi. Trong khi đó, một số đại biểu kiến tán thành quy định giao Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành. Quyết định này mang tính chất quyền lực tư pháp, qua đó xác nhận hiệu lực của bản án, quyết định, gắn kết trách nhiệm và tạo điều kiện để Tòa án theo dõi, thống kê kết quả thi hành các bản án, quyết định của mình; việc Tòa án ra quyết định cũng tương tự như ra quyết định thi hành án hình sự.  
Về xác minh điều kiện thi hành án, đa số đại biểu phát biểu tán thành việc giao trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án cho Chấp hành viên và kinh phí xác minh từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong trường hợp người được thi hành án cũng tiến hành xác minh điều kiện thi hành án và có kết quả khác với kết quả xác minh của Chấp hành viên thì giải quyết như thế nào, cần phải được làm rõ. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc Nhà nước phải đứng ra chi trả các khoản phí xác minh, bởi sẽ làm tăng thêm gánh nặng ngân sách nhà nước.
Về miễn, giảm thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước, đa số ý kiến tán thành việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước là cần thiết để xử lý thực trạng số lượng án tồn đọng nhiều năm về khoản thu nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quy định về miễn, giảm phải bảo đảm cụ thể, chặt chẽ nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách miễn, giảm để chây ỳ, che giấu tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Về thi hành án khi có thay đổi giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án và về thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, đa số ý kiến không tán thành việc quy định giao Tòa án quyết định việc bán đấu giá tài sản để thi hành án trong trường hợp tài sản được tuyên trong bản án tăng hoặc giảm 20% và ra quyết định kê biên tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm thi hành án. Bởi vì, bán đấu giá tài sản và kê biên tài sản (đặc biệt tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu) là vấn đề rất phức tạp trên thực tiễn, có thể nảy sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, hiện nay do Cơ quan THADS đảm trách; việc giao thẩm quyền quyết định việc bán đấu giá tài sản khi có thay đổi giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án và kê biên tài sản cho Tòa án là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, đồng thời có thể gây quá tải trong thực hiện nhiệm vụ của Tòa án, phát sinh thêm biên chế, bộ máy của Tòa án.
Hà Thanh
;
.