Trao đổi, học tập kinh nghiệm của Pháp về quyền tư pháp

Thứ Sáu, 01/08/2014, 16:58 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 31-7, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Tọa đàm trao đổi, học tập kinh nghiệm của Pháp về quyền tư pháp.
Các đồng chí Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương; Trịnh Xuân Toản, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Tọa đàm.
Dự Tọa đàm có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công An, Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội, cán bộ Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và một số Thẩm phán, chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp.
Mục đích của Tọa đàm là trao đổi, tìm hiểu quan niệm của các chuyên gia Pháp về quyền tư pháp, bản chất, nội dung đích thực của khái niệm quyền tư pháp, quyền tư pháp thực tế là quyền gì, các chủ thể nào thực hiện quyền tư pháp, quyền tư pháp trong mối quan hệ với các quyền lập pháp và hành pháp, sự kiểm soát của quyền lực tư pháp với lập pháp và hành pháp, sự giám sát của hành pháp và lập pháp với quyền lực tư pháp… Kết quả Tọa đàm phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện đề tài “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu về cải cách tư pháp của Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Theo các thẩm phán Pháp, "quyền tư pháp" là vấn đề không bàn cãi ở Pháp, được bảo đảm bởi sự độc lập và sự khách quan, vô tư của thẩm phán trong xét xử. Hai khía cạnh này của quyền tư pháp được khẳng định trong Hiến pháp nước Pháp. Theo Luật về tổ chức, cơ quan tư pháp ở Pháp được hiểu là bao gồm Tòa án và Viện kiểm sát. Song trên thực tế, Viện kiểm sát không được coi là cơ quan tư pháp của Pháp. 
Quyền tư pháp không chỉ thể hiện bằng quyền xét xử của Tòa án, mà còn thể hiện ở quyền áp dụng luật, giải thích pháp luật và ban hành án lệ của các Thẩm phán Pháp. Theo đó, khi nhận thấy các luật hoặc văn bản dưới luật trái với Hiến pháp và các Điều ước quốc tế, các Thẩm phán có quyền không áp dụng, báo cáo với Tòa phá án, sau đó Tòa phá án sẽ trình vấn đề này lên Hội đồng Hiến pháp tối cao của Pháp để họ tuyên bố vô hiệu đối với các văn bản này. Trường hợp Luật chưa có quy định hoặc quy định không cụ thể, rõ ràng, thiếu minh bạch, các Thẩm phán Pháp có quyền giải thích pháp luật hoặc đưa ra án lệ, miễn là việc giải thích và đưa ra án lệ này không trái với Hiến pháp và các Công ước, Điều ước quốc tế mà Pháp đã ký kết hoặc tham gia. Các cơ quan lập pháp luôn theo dõi sự phát triển của án lệ. Họ có thể pháp điển hóa án lệ hoặc bác bỏ án lệ đó nếu án lệ đưa ra không phù hợp.
Nguyễn Phương Thảo
;
.