Thành lập bộ phận giúp việc các huyện, thành, thị ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng
Chủ Nhật, 17/08/2014, 07:01 [GMT+7]
Các huyện, thành, thị ủy là lực lượng nòng cốt trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Vĩnh Phúc. Đây cũng là những địa bàn phát sinh những vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như tình hình an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, tình hình đình công, lãn công, khiếu nại tố cáo của công dân…Mặt khác, tội phạm tham nhũng đang xảy ra chủ yếu ở cấp cơ sở như cấp huyện, cấp xã. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các huyện, thành, thị ủy có vai trò quyết định đến hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của địa phương.
Theo Quy định số 220-QĐ/TW ngày 27/12/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, cấp huyện không có ban xây dựng Đảng chuyên trách về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Văn phòng các huyện, thành, thị ủy có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nội dung, đề án, văn bản thuộc lĩnh vực nội chính khi được ban thường vụ, thường trực cấp ủy cấp huyện giao. Thực tế hiện nay, văn phòng cấp ủy chủ yếu thực hiện công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI), người đứng đầu cấp ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Hiện nay, ở cấp huyện, cơ quan thanh tra được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND huyện thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng, không có chức năng, nhiệm vụ tham mưu cấp ủy. Không có cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới đang đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy. Để nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện về công tác phòng, chống tham nhũng, việc thành lập bộ phận giúp việc chuyên trách là cần thiết.
Bộ phận giúp việc được thành lập và hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu, tổng hợp về nội chính và phòng, chống tham nhũng; nắm bắt thông tin kịp thời, tham mưu cấp ủy chỉ đạo giải quyết những vụ việc phức tạp tại địa phương. Bộ phận giúp việc bao gồm những cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu pháp luật, nhiệt tình trong công tác và có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; đồng thời hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên không làm phát sinh biên chế, thủ tục hành chính.
Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động xây dựng hướng dẫn đề án thành lập bộ phận giúp việc các huyện, thành, thị ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng như sau:
1. Về chức năng
Bộ phận giúp việc có chức năng tham mưu, giúp việc các huyện, thành, thị ủy, trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ và Thường trực cấp ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
2. Về nhiệm vụ
- Tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, pháp luật công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất ban thường vụ cấp ủy, Thường trực cấp ủy chỉ đạo giải quyết những vụ án, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ban thường vụ cấp ủy tổ chức sơ kết, tổng kết, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định các đề án,văn bản về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng trước khi trình cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu ban thường vụ cấp ủy kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Thường trực cấp ủy chỉ đạo giải quyết những vụ việc KNTC kéo dài, phức tạp.
- Thực hiện những nhiệm vụ khác khi được Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy giao.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, bộ phận giúp việc thường xuyên nắm, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo theo quy định của Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy; tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ cơ quan nội chính cấp huyện.
3. Về tổ chức bộ máy của bộ phận giúp việc
Bộ phận giúp việc bao gồm Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp huyện, gồm có: Văn phòng cấp ủy; Ủy ban kiểm tra; Công an; Viện KSND; TAND; Thanh tra; Ban CHQS; Phòng Tư pháp và Chi cục THADS. Trưởng bộ phận giúp việc là đồng chí Phó Bí thư thường trực cấp ủy. Văn phòng cấp ủy là thường trực của bộ phận giúp việc.
Ngày 29-7-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo số 1497-TB/TU về việc thành lập bộ phận giúp việc các huyện, thành, thị ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; đồng thời giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì hướng dẫn các huyện, thành, thị ủy trong việc thành lập bộ phận giúp việc; theo dõi, tổng hợp hoạt động, bộ phận giúp việc thường xuyên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hiện nay, bộ phận giúp việc tại các huyện, thành, thị ủy đã được thành lập và đi vào hoạt động.
Nguyễn Thị Vân Anh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)
;