Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự

Thứ Tư, 13/08/2014, 13:39 [GMT+7]

 (BNCTW) - Chiều 12-8, tiếp tục Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

Vấn đề được đề cập nhiều nhất là quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Nhiều ý kiến không tán thành với quy định này, bởi để cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành, cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án, không nên bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Việc quy định người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành và không đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Trường hợp người được thi hành án từ bỏ quyền lợi hoặc các bên đương sự tự thỏa thuận được việc thi hành án, họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định đình chỉ.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ 2 cơ chế như quy định hiện hành: cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, tạo điều kiện để người được thi hành có thể lựa chọn về thời gian, phương thức thi hành án phù hợp.

Đối với quy định về xác minh điều kiện thi hành án, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự án luật việc giao trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án cho chấp hành viên. Tuy nhiên, dự án luật cần có quy định đề cao trách nhiệm của người phải thi hành án, người được thi hành án và các cơ quan tổ chức liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án.

Liên quan đến việc miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách Nhà nước, các đại biểu cho rằng dự án luật cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các điều kiện, thu hẹp hơn về phạm vi đối tượng được miễn, giảm thi hành án, theo đó, chỉ miễn giảm vì lý do nhân đạo cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn...

Dự án Luật này đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật để có thể trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII.

Đức Minh

;
.