Thứ Ba, 26/11/2024, 23:39 [GMT + 7]
.
.

Có nên xóa bỏ hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự?

Thứ Ba, 06/08/2013, 09:34 [GMT+7]

(BNCTW) - Tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt được áp dụng đối với những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thuật ngữ "hình phạt tử hình" trong tiếng Anh (capital punishment) có nguồn gốc từ tiếng Latinh là capitalis, có gốc từ là caput, có nghĩa là cái đầu, với hàm ý rằng đầu là bộ phận gắn liền với tính mạng, hình phạt làm mất đầu tức là tước bỏ tính mạng con người. Theo gốc từ Hán Việt, "tử hình" có nghĩa là hình phạt chết. Có một số định nghĩa khác nhau về hình phạt tử hình, song xét ở phương diện pháp lý, có thể hiểu hình phạt tử hình là việc tước bỏ tính mạng của con người theo bản án được tuyên bởi một Tòa án được lập ra một cách hợp pháp, nhằm trừng phạt người đó vì đã phạm một tội ác đặc biệt nghiêm trọng (Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, Nxb Lao động - Xã hội, 2010). Tuy nhiên, hình phạt tử hình có phải là biện pháp ngăn chặn tội phạm duy nhất có hiệu quả không? Nó có vi phạm quy định về quyền sống được ghi nhận trong Luật quốc tế về quyền con người và đi ngược lại với xu hướng tiến bộ trên thế giới hay không?

Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948 (UDHR) đề cập đến quyền sống là quyền đầu tiên và cơ bản nhất của con người. Khoản 1 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) đã cụ thể hóa quyền này; thừa nhận mọi người đều có quyền được sống và được pháp luật bảo vệ, không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện. Khoản 2 Điều này cũng quy định: "Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Công ước này…". Như vậy, mặc dù ghi nhận quyền sống là một trong những quyền cơ bản của tất cả mọi người, pháp luật quốc tế không cấm áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt này ở mỗi quốc gia là khác nhau, tùy theo quan điểm về "tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" của mỗi quốc gia.

Trên thế giới, luật pháp các quốc gia đã từng quy định hình phạt khắc nghiệt này cho rất nhiều tội phạm khác nhau (phản quốc, giết người, hiếp dâm, thông dâm…). Theo thời gian, phạm vi những tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình trên thế giới ngày càng thu hẹp lại. Những tội có tính chất chính trị, tôn giáo hay tình dục… dần dần bị loại bỏ khỏi danh sách những tội danh có thể bị áp dụng hình phạt tử hình.

Hiện nay có 89 quốc gia trên thế giới đã hủy bỏ án tử hình, 28 quốc gia chưa xử tử người nào trong 10 năm qua và 9 quốc gia chỉ áp dụng án tử hình trong các trường hợp đặc biệt (như tội ác chiến tranh), 74 quốc gia vẫn còn áp dụng nó (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%AD_h%C3%ACnh). Các quốc gia hủy bỏ án tử hình cho rằng tác dụng của hình phạt này với việc ngăn chặn tội phạm cũng giống như các loại hình phạt khác. Các cuộc khảo sát do Liên Hợp quốc thực hiện (năm 1988, 1996 và 2002) về mối quan hệ giữa hình phạt tử hình và tỷ lệ phạm tội ở nhiều quốc gia trên thế giới đã kết luận rằng: "Không tìm thấy những chứng cứ khoa học cho thấy việc thi hành án tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm tốt hơn so với việc áp dụng hình phạt tù chung thân v.v..". Công trình nghiên cứu nổi tiếng nhất chứng minh hình phạt tử hình không có tác dụng vượt trội trong ngăn chặn tội phạm là của nhà tội phạm học Thorsten Sellin, công bố vào năm 1959. Trong công trình này, Thorsten Sellin khẳng định, hình phạt tử hình không có tác dụng ngăn chặn tội phạm hơn so với hình phạt tù chung thân. Ông cho rằng những kẻ phạm tội rất ít khi suy tính về hậu quả có thể phải gánh chịu trước khi thực hiện hành vi phạm tội, thậm chí còn tin rằng họ sẽ không bị bắt (AI, Death Penalty: Question and Answers http://www.amnesty.org/en/death-penalty). Do vậy, niềm tin về tác dụng đặc biệt trong việc răn đe tội phạm của hình phạt tử hình chủ yếu dựa trên sự suy đoán. Ngoài ra, nhiều nhà tội phạm học khác cũng cho rằng lập luận về tác dụng vượt trội trong phòng ngừa tội phạm của hình phạt tử hình còn mang nặng cảm tính và động cơ chính trị (ở các nước phương Tây, vấn đề duy trì hình phạt tử hình thường được giới chính trị gia nêu ra để khai thác tâm lý lo ngại tình trạng tội phạm của công chúng từ đó thu được nhiều phiếu bầu trong các cuộc bầu cử).

Những người phản đối hình phạt tử hình cũng cho rằng, sử dụng sự hành quyết để đáp trả hành động giết người là một sự trả thù và lặp lại hành động của kẻ phạm tội là không phù hợp với xã hội văn minh. Thêm vào đó, do hệ thống tư pháp hình sự không hoàn thiện nên luôn tồn tại nguy cơ kết án oan người vô tội và sai lầm này không thể khắc phục được nếu đã thi hành án.

Tuy nhiên, những nước duy trì hình phạt tử hình vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng hình phạt này là biện pháp có hiệu quả răn đe đặc biệt, không thể thay thế trong việc ngăn ngừa tội giết người cũng như nhiều loại tội phạm khác. Điển hình nhất là phương châm phòng, chống tội phạm của người Trung Quốc "sát nhất nhân, vạn nhân cụ" (giết một người để răn đe vạn người khác - Theo quan điểm này, cần áp dụng hình phạt tử hình cho những kẻ phạm tội ác nghiêm trọng như giết người để giúp những người khác nhận thức rõ đó là hành động sai trái sẽ mang lại những hậu quả thảm khốc cho kẻ phạm tội, từ đó ngăn ngừa người khác phạm tội ác tương tự)… Trên thực tế, đã có một số nghiên cứu đưa ra những số liệu thống kê ủng hộ tác dụng ngăn chặn vượt trội của hình phạt tử hình với tội giết người. Ví dụ, ở Anh, theo số liệu của Bộ Nội vụ nước này, tỷ lệ tội phạm giết người tăng lên gấp đôi kể từ khi hình phạt tử hình bị xóa bỏ. Ở Hoa Kỳ, từ năm 1993-1997, khi số bản án tử hình được tuyên và thi hành tăng thì tỷ lệ tội phạm giết người giảm 26%. Trong khi đó, những kẻ phạm các tội ác nghiêm trọng là những đối tượng rất nguy hiểm cho xã hội, khả năng tái phạm rất cao, nếu không sử dụng hình phạt tử hình thì xã hội vẫn còn nguy cơ bị đe dọa nếu họ vượt ngục thành công hoặc được phóng thích. Việc tước bỏ tính mạng của những kẻ phạm các tội ác nghiêm trọng là phù hợp với công lý "lấy mạng đền mạng" và cũng nhân đạo hơn so với hình phạt tù chung thân. Việc bị giam cầm cả đời hoặc một thời gian dài trong tù với những điều kiện sinh hoạt, quản chế khắc nghiệt và sự dằn vặt lương tâm đôi khi còn gây đau khổ cho kẻ phạm tội nhiều hơn so với việc bị kết án tử hình.

Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng, cho đến khi nào còn được sống, cho dù bị kết án tù chung thân, một người tù vẫn còn có hy vọng được tái hòa nhập cộng đồng, được giảm án, ân xá hay được giải tội. Việc thi hành án tử hình sẽ triệt tiêu những cơ hội này của họ. Thêm vào đó, hình phạt tử hình không chỉ gây đau đớn cho phạm nhân về thể chất khi bị hành quyết, mà còn khiến họ bị khủng hoảng tinh thần vô cùng nặng nề trong thời gian chờ đợi thi hành án. Bởi vậy, không thể nói là so với hình phạt tù chung thân, hình phạt tử hình có tính nhân đạo hơn. Trong khi còn nhiều tranh cãi về tính nhân đạo của hình phạt này so với tù chung thân thì có ý kiến cho rằng cần phải so sánh chi phí của hai loại hình phạt này. "Từ chối xem xét tác động của hình phạt tù chung thân không được ân giảm có nghĩa là ủng hộ hoặc khuyến khích một đạo luật mà buộc 25 người phải làm việc suốt đời ở nhà tù chỉ để bảo đảm là một người không bị hành quyết. Đây chính là tính thiếu thuyết phục trong quan điểm của những người phản đối hình phạt tử hình” (Xem Harvard Law Review, số 119 (6), tr.1838-1854, năm 2006).

Ở Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã quán triệt: "Các bộ, ngành có liên quan cần xem xét hai vấn đề lớn là hình thức thi hành án tử hình và hạn chế số lượng hình phạt tử hình trong cơ cấu hình phạt của Bộ luật hình sự”. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm trên về hình phạt tử hình. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, việc giảm một số tội danh có thể bị kết án tử hình từ 29 điều khoản trong Bộ luật hình sự năm 1999 xuống 22 điều khoản cho thấy Việt Nam có cùng xu hướng chung quốc tế là giảm việc áp dụng hình phạt tử hình.

Trong tương lai, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao thì việc thu hẹp dần phạm vi áp dụng tiến tới loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi đời sống xã hội là một xu hướng tất yếu. Mặc dù vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc xóa bỏ hình phạt tử hình tại Việt Nam là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, đặc biệt là những dạng tội phạm đặc biệt nguy hiểm như giết người, tội phạm ma túy… Điều này không chỉ đặt gánh nặng và gây sức ép với các cơ quan nhà nước trong việc phải tìm ra các biện pháp ngăn chặn tội phạm hiệu quả mà còn tác động đến tâm lý người dân trong việc ủng hộ việc áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm.

                                        Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.