Những lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng

Thứ Hai, 10/06/2013, 09:54 [GMT+7]

Hiện nay, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tham nhũng xảy ra trên hầu hết các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, hành chính, tư pháp, giáo dục-đào tạo, y tế, tổ chức cán bộ… nhưng thường phổ biến và tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sau:

Một là: Tham nhũng trong lĩnh vực quản lý kinh tế.

Quản lý kinh tế là lĩnh vực xảy ra tham nhũng phổ biến nhất, với tần suất nhiều nhất và số tài sản rất lớn. Trong lĩnh vực này, tham nhũng thường diễn ra ở các khâu, công đoạn với những thủ đoạn chủ yếu sau:

- Trong công tác lập, duyệt dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Thủ đoạn chủ yếu: Người có thẩm quyền giao dự toán thu thấp hơn khả năng thực tế lập và giao dự toán thu bỏ qua không bao quát quản lý các nguồn thu; Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư dàn trải dẫn đến tình trạng kéo dài dự án; Duyệt dự toán cho xây dựng trụ sở cơ quan, trang thiết bị đắt tiền vượt định mức Nhà nước...

- Trong quản lý thu ngân sách Nhà nước. Thủ đoạn chủ yếu: Lơ là, bỏ qua đối tượng phải nộp thuế, bỏ sót nguồn thu của các đối tượng có những khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp ngân sách Nhà nước; Áp mức thu thuế khoán thấp, không sát thực tế nhiều lần cho đối tượng nộp thuế; Áp giá tính thuế, chủng lợi hàng có thuế xuất nhập khẩu thấp đối với hàng nhập khẩu có giá trị cao với thuế xuất nhập khẩu cao để giảm thuế nhập khẩu phải nộp; Thông đồng trong kiểm hóa, xác lập thủ tục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu về số lượng, chủng loại, chất lượng để trốn thuế xuất nhập khẩu và hoàn khống thuế giá trị gia tăng; Lập chứng từ hồ sơ khống, thông đồng giữa các cơ quan đơn vị và với cán bộ cơ quan thuế để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng; Nhập khẩu hàng hóa dưới danh nghĩa hàng viện trợ, hàng hóa cho các chương trình dự án được miễn thuế nhập khẩu về sử dụng cho mục đích khác hoặc bán ra thị trường kiếm lời; Lập, kiểm tra quyết toán thuế hàng năm không chính xác để giảm lợi nhuận, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; Thực hiện miễn giảm thuế cho đối tượng nộp thuế không đúng qui định về nội dung, đối tượng miễn giảm, không đúng thẩm quyền người ra quyết định miễn giảm; Bỏ nguồn thu ngoài ngân sách lập quĩ trái phép ở một số đơn vị, cấp chính quyền. Cán bộ quản lí thu thuế tiêu tiền thuế phải nộp; Bỏ qua không xử lí các sai phạm của các đối tượng trong quá trình quản lí, thanh tra, kiểm tra để ăn chia tiền sai phạm...

- Trong quản lý chi ngân sách nhà nước, như:

Trong chi hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Người tham nhũng dùng thủ đoạn gian dối, quan hệ với các đơn vị kinh tế, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp, cửa hàng mua hóa đơn đỏ do Bộ Tài Chính phát hàng hoặc thỏa thuận  làm hợp đồng kinh tế, chứng từ kế toán giả mạo về mua sắm tài sản, sửa chữa nhỏ để lập chứng từ, bản thống kế khống khối lượng, công việc không làm để hạch toán, thanh quyết toán vốn chi ngân sách rút ruột nhà nước; Mua hàng hóa, vật tư ít nhưng ghi hóa đơn là mua nhiều, mua hàng với giá rẻ ghi hàng hóa đơn với giá đắt; Thông đồng thanh quyết toán các khoản chi không có trong dự toán được duyệt; Thực hiện các khoản chi, mua sắm trang thiết bị xa hoa, lãng phí vượ định mức của Nhà nước; Lấy tiền ngân sách chi cho những nội dung không được phép chi như chi quà biếu dưới dạng tiền hoặc hiện vật vào các dịp lễ tết.

Trong quản lý, đầu tư xây dựng, chi cho các chương trình, dự án. Điển hình như: Chỉ định thầu thi công không đúng chế độ qui định để được thực hiện thi công và thanh toán giá cao; Thông đồng dàn xếp trong tổ chức đấu thầu để trúng thầu  được thanh toán với giá cao so với chi phí thi công; Lập hồ sơ phiếu giá khối lượng xây dựng hoàn thành để thanh toán vốn đầu tư trước khi có khối lượng thực tế thi công để chiếm dụng vốn của Ngân sách; Khai khống khối lượng công việc mà thực tế không thi công, không làm hoặc một số công việc không có trong dự toán, thiết kế mà thực tế có phát sinh nhưng làm ít kê khai nhiều hạch toán vào giá trị công trình để thanh quyết toán vốn; Mua vật tư, nguyên liệu, thiết bị không đúng số lượng, chủng loại và đơn giá theo dự toán, thiết kế, mua số lượng ít kê khai mua nhiều, mua loại kém chất lượng để thi công nhưng lại quyết toán công trình loại vật tư thiết bị chất lượng tốt giá cao; Thông đồng lập hồ sơ thanh toán tiền đến bù giải phóng mặt bằng nhiều hơn so với thực tế bằng hình thức khai tăng diện tích đất, cơ sở hạ tầng phải đền bù, phân cấp nhà tốt hơn thực tế từ đó áp giá đền bù cao hơn qui định cho phép.

Trong quản lý tài chính doanh nghiệp: Mua hàng hóa, nguyên liệu với giá thấp, lập lại chứng từ, bảng kê khai hàng hóa mua với giá cao để ăn chênh lệch giá; Mua hóa đơn của các công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, cửa hàng lập khống chứng từ chi về mua hàng, chỉ sửa chữa nhỏ tài sản. Hạch toán khống các khoản chi tiếp khách hội nghị, hội thảo vào chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí bán hàng và kết quả  kinh doanh của doanh nghiệp; Mua tài sản, máy móc thiết bị, phương tiện đã cũ, lạc hậu về công nghệ nhưng kí hợp đồng thỏa thuận, thông đồng, móc nối với biên bản mua theo giá cao, theo loại tài ản, máy móc, thiết bị, công nghệ mới; Bán hàng, nguyên liệu, tài sản loại chính phẩm cho người thân, bạn bè hoặc những người có chức quyền của doanh nghiệp nhà nước nhưng khi viết phiếu bán hàng lại ghi là hàng hóa, kém chất lượng theo giá thu hồi, tận dụng; Lập dự án đầu tư không phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp, không tính đến hiệu quả kinh tế để gian lận tham ô qua hoạt động chi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị máy móc; Sử dụng các nguồn lực Nhà nước giao với  cơ chế ưu đãi như đất đai sai mục đích hoặc bán sang tay để kiếm lời cho các cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp; Xác định giá trị tài sản doanh nghiệp thấp trong quá trình thanh lí tài sản hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp để mua với giá thấp thu lợi cho cá nhân; Người có thẩm quyền phê duyệt cho doanh nghiệp hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước không đúng đối tượng như ưu đãi về vốn vay, về miễn giảm thuế, về giao và thu đất để trục lợi…  

Hai là: Tham nhũng trong lĩnh vực quản lý tài chính, sử dụng ngân sách, quản lý tài sản công.

 Lĩnh vực quản lý tài chính, sử dụng ngân sách, tài sản công thường là “mỏ vàng” cho các hành vi tham nhũng. Chính tâm lý coi tài sản của nhà nước là “của chùa” của một bộ phận công chức là một trong những nguyên nhân quan trọng để tham nhũng trong lĩnh vực này nảy sinh và phát triển mạnh mẽ. Trong lĩnh vực này, tham nhũng chủ yếu xảy ra ở các đơn vị được thụ hưởng ngân sách nhà nước và được giao quản lý các tài sản của nhà nước. Hiện tượng tham nhũng phổ biến chủ yếu là vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính, ngân sách để trục lợi như: chi tiêu tiền của cơ quan, đơn vị không đúng mục đích, trái nguyên tắc; thu tiền không nhập quỹ, không vào sổ sách; lợi dụng sơ hở trong chính sách và sự quản lý lỏng lẻo của Nhà nước, làm khống chứng từ để chia nhau; khai tăng giá khi mua sắm các thiết bị, tài sản công, mua đắt hơn giá thị trường, hai bên thông đồng với nhau để ghi giá vào hóa đơn cao hơn giá thanh toán thực tế hoặc người mua hàng chiếm đoạt tiền hoa hồng...

Ba là: Tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.

Tín dụng, ngân hàng là một trong những lĩnh vực mà tham nhũng đang xảy ra rất nghiêm trọng. Đây là lĩnh vực luôn chứa đựng những điều kiện thuận lợi để tham nhũng có thể tồn tại và phát triển. Thực tiễn thời gian quan cho thấy, phần lớn số vụ tham nhũng xảy ra đều ít nhiều liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Trong lĩnh vực này, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để chiếm đoạt tiền, tài sản của ngân hàng rất tinh vi như: cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế, những quy định có tính nguyên tắc trong lĩnh vực ngân hàng, không tuân thủ các quy định về thế chấp, thẩm định tài sản thế chấp, các quy định về thủ tục cho vay, mức cho vay, thời hạn hoàn trả... dẫn đến tiếp tay cho kẻ tham nhũng. Cụ thể: lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn, sách nhiễu, vòi vĩnh, đòi tiền bồi dưỡng trong duyệt chi, cấp vốn; thông đồng, tư vấn cho khách hàng hợp thức hóa những tài liệu, luồn lách qua những kẽ hở của luật pháp để vay được vốn và sau đó lừa đảo; thông đồng với đối tượng bỏ sót nguồn thu, áp mức thu thấp để vụ lợi ; xác định số dư khống cho các đơn vị để được nhận quà cáp; thông đồng với khách hàng nâng giá trị tài sản thế chấp để vay được nhiều, châm chước bỏ qua nhiều thủ tục về nguyên tắc để vụ lợi; tạo ra hồ sơ bất động sản giả để đưa đi thế chấp ngân hàng; dùng một tài sản để thế chấp, cầm cố ở nhiều ngân hàng khác nhau; tạo ra các dự án đầu tư và phương án kinh doanh giả để vay tiền; khai khống giá trị tài sản, khai khống quyết toán từ lỗ thành lãi để được vay nhiều...; Làm trái nguyên tắc, cho vay vượt quá khả năng thanh toán của doanh nghiệp, phát sinh nợ khó đòi, làm hồ sơ xin xóa nợ xấu... ăn chia với doanh nghiệp. Nhân viên ngân hàng lợi dụng nhiệm vụ được giao vay tiền ngân hàng để cho vay lại với lãi suất cao; Thi hành trái nguyên tắc miễn giảm thuế, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu móc nối với công chức thoái hóa, biến chất, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.

Bốn là: Tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản.

Đầu tư, xây dựng cơ bản là lĩnh vực xảy ra tham nhũng hết sức phổ biến. Đây là lĩnh vực thường có số vốn đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước, trong khi đó cơ chế quản lý lại tương đối lỏng lẻo, chính vì vậy tham nhũng xảy ra nhiều, đồng thời số tiền bị thất thoát thường rất lớn. Trong lĩnh vực này, tham nhũng xảy ra ở mọi công đoạn, từ khâu quy hoạch, lập, duyệt dự án, thiết kế, thi công, thanh tra, kiểm tra, đến nghiệm thu thanh toán, quyết toán với các hành vi phổ biến như: Rút ruột công trình, thay thế các nguyên vật liệu, chất lượng, đắt tiền bằng các loại khác kém chất lượng không đảm bảo hiệu quả cho công trình; Thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong việc lãnh đạo chỉ đạo giải quyết tồn tại, xử lí các sai phạm đối với tập thể và các nhân trong việc thực hiện công trình xây dựng cơ bản; Đo đạc không chính xác do thiếu trách nhiệm hoặc thông đồng ví dụ đo độ cao không đúng, xác định cấp đấ đa không đúng, đá ít thì xác định là nhiều. Khi thi công một số dấu vết đã mất đi và tính toán cũng phức tạp do đó tham nhũng trong lĩnh vực này rất tinh vi và khó phát hiện; Tăng cự ly vận chuyển vật liệu cho xây lắp, đào đắp công trình, vận dụng sai các định mức kinh tế, kĩ thuật làm tăng đơn giá xây lắp, tăng chi phí cho các dự án; Các nhà thầu thỏa thuận với nhau trong đấu thầu để một nhà thầu trúng thầu thì làm hồ sơ đầy đủ và tốt hơn, còn các nhà thầu khác cùng tham gia đấu thầu gói thầu. Giá bỏ thầu của nhà thầu trúng thầu thường sát giá trần còn các nhà thầu khác thì bỏ giá rất cao hoặc cố ý vi phạm các điều của hồ sơ mời thầu để bị loại ra. Có dự án dự toán duyệt sai về giá trị nhưng các nhà thầu vẫn bỏ sát giá được duyệt sai ấy; Ăn bớt công đoạn thi công, không thực hiện đúng qui trình thi công, thi công không đúng phương án đã lập trong hồ sơ dự án để bớt chi phí; Dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền ra tham ô hoặc đưa hối lộ như chi tiền bằng giấy đề nghị thanh toán mua vật tư, vật liệu nhưng không có hóa đơn, chứng từ kèm theo và ghi nợ công trình (cho đội thi công). Người có quyền thì lấy tiền còn người kí vào phiếu chỉ biết kí mà không được nhận tiền.

Năm là: Tham nhũng trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo.

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tham nhũng cũng đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Đây là những lĩnh vực được xem là ...của xã hội thế nhưng tham nhũng lại đang có những diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc cho xã hội như: vòi vĩnh, bỏ mặc người bệnh để nhận phong bì. Trong lĩnh vực y tế vấn đề bức xúc nhất hiện nay đó là đạo đức của y, bác sĩ; thái độ, tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với người bệnh của cán bộ y tế; Tình trạng phải cho tiền, đưa phong bì cho cán bộ y tế đã trở thành phổ biến ở các cơ sở y tế; Tình trạng giá thuốc tăng cao bất hợp lý, thiếu sự kiểm soát, khi nhiều loại thuốc, nhất là thuốc nhập ngoại có giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá thuốc sản xuất trong nước cũng như so với giá trị thật của loại thuốc đó; Tình trạng thông đồng giữa thầy thuốc với dược viên để kê đơn, chỉ định quầy mua thuốc hưởng hoa hồng, đơn thuốc càng cao thì hoa hồng càng lớn; Tình trạng lấy thuốc, thiết bị vật tư của nhà nước đem ra thị trường bán chia nhau hoặc bán cho bệnh nhân trong bệnh viện; Kê đơn thuốc cho bệnh nhân nhiều loại thuốc ngoại đăt tiền để hưởng hoa hồng hoặc nhận quà tặng của các cơ sở kinh doanh dược móc nối đưa bệnh nhân từ bệnh viện công ra phòng khám tư ảnh hưởng đến sức khỏe và lãng phí đối với bệnh nhân; Xin nguồn ngân sách đầu tư trang thiết bị hiện đại nhưng chưa quan tâm đào tạo cán bộ sử dụng làm cho hiệu quả sử dụng chưa cao.... tất cả những vấn đề này đã và đang làm gia tăng các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tham nhũng cũng là vấn đề đang gây bức xúc lớn trong xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục - đào tạo, làm cho lĩnh vực này đang dần được thương mại hóa. Tham nhũng trong lĩnh vực này diễn ra ở rất nhiều khâu, từ khâu tuyển sinh, chấm thi, kiểm tra, đánh giá đến các khâu dạy thêm, học thê, các khoản đóng góp, ứng dụng thiết bị dạy học, cấp bằng, chứng chỉ... Biểu hiện của nó là: Đặt ra các khoản thu ngoài qui định, sách nhiễu, nhận tiền, quà biếu của phụ huynh học sinh; chạy trường, chạy điểm, chạy bằng cấp, cho điểm không đúng thực chất để để nhận tiền hối lộ của học sinh, sinh viên; Sử dụng lãng phí thất thoát tài sản của Nhà nước, tham ô trong mua sắm, sử dụng kinh phí, trang thiết bị dạy học, xây dựng cơ sở vật chất của các nhà trường; Tổ chức đấu thấu sai qui định, thông thầu, lập các quĩ trái phép để chi tiêu sai nguyên tắc, lập chứng từ khống thanh toán sai qui định, lập hai sổ kế toán để đối phó...

Sáu là: Tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, thanh tra, kiểm tra.

Tư pháp là lĩnh vực hoạt động bảo vệ pháp luật, đảm bảo sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật. Trong phòng, chống tham nhũng các cơ quan tư pháp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là lực lượng chủ yếu, nòng cốt trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật và một bộ phận không nhỏ cán bộ công tác trong lĩnh vực này lại đang lao vào vòng xoáy của tham nhũng, lợi dụng hoạt động bảo vệ pháp luật, thực hiện công lý để tham nhũng, tiếp tay cho những kẻ tham nhũng vì mục đích vụ lợi.

Thực tế cho thấy, tham nhũng trong lĩnh vực này thường thể hiện ở các hành vi như: Dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm, bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, làm giảm mức độ sai phạm; cán bộ công an, kiểm sát, thẩm phán nhận hối lộ, quà biếu để làm trái các quy định của luật pháp, bỏ lọt tội phạm, làm lệch hồ sơ vụ án, chạy án, chạy tội; cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ để bỏ qua những lỗi vi phạm của người tham gia giao thông; cảnh sát khu vực nhận tiền hối lộ, nhũng nhiễu để bảo kê cho các hoạt động kinh doanh phi pháp...; Tổ chức lễ nghi lãng phí, lấy cớ chiêu đãi việc công để tạo quan hệ với đoàn thanh tra, kiểm tra để tạo quan hệ riêng, mưu tính lợi lộc cho mình; đưa phong bì, gửi những “tặng phẩm" có giá trị cho các đoàn thanh tra, kiểm tra để đoàn thanh tra che chắn cho những hành vi vi phạm...

(Theo "Hỏi - Đáp về phòng, chống tham nhũng”, Nxb Chính trị quốc gia, tác giả Phạm Ngọc Hiền – Phạm Anh Tuấn)

;
.