Thứ Tư, 27/11/2024, 15:24 [GMT + 7]
.
.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời ngày Thương binh - Liệt sĩ

Thứ Bảy, 25/07/2015, 00:09 [GMT+7]
    Cho đến nay, đã trải qua 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2015). Thế nhưng, không phải ai trong chúng ta cũng biết bối cảnh, quá trình ra đời, nơi công bố Ngày Thương binh - Liệt sĩ và lần đầu tiên được tổ chức kỷ niệm như thế nào, ở đâu. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, xin ôn lại một số chi tiết về ngày kỷ niệm có ý nghĩa này. 
 
    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời nhưng thực dân Pháp đã quay lại Đông Dương. Khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, quân đội Pháp đã tàn sát, bắn phá và chiếm đóng nhiều nơi khiến nhiều đồng bào của chúng ta, trong đó có dân lành phải chịu đau thương, mất mát. Phát huy đạo lý nhân nghĩa, truyền thống “máu chảy ruột mềm” của dân tộc chúng ta, góp phần làm dịu nỗi đau mất mát đối với những gia đình có người đã hy sinh, chính quyền non trẻ của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thực hiện nhiều hình thức để bù đắp những thiệt hại này và xúc tiến vận động thành lập một tổ chức có tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.
 
    Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn, sau đó đổi tên thành Hội giúp binh sĩ bị thương được thành lập ở Thuận Hóa, tỉnh Bình - Trị - Thiên, Thủ đô Hà Nội và một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng danh dự của hội này. Chiều ngày 28-5-1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới tham dự. Chiều ngày 11-7-1946, cũng tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho binh lính ở ngoài chiến trường, mở đầu cuộc vận động mùa đông chiến sĩ. 
 
Tượng đài mười cô gái ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh AT)
Tượng đài mười cô gái ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh AT)
    Ngày 19-12-1946, sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội chính thức phát động chiến tranh với Pháp, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và tử nạn tăng lên rất nhanh do sự chênh lệch về trang bị vũ khí cũng như những chiến thuật chiến đấu. Đời sống của binh lính lúc đó, nhất là những binh sĩ bị thương, gia đình liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, ngày 07-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”. Thông báo có đoạn viết: “Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”. Người đã yêu cầu các làng, chính quyền địa phương lập danh sách, xem xét, nếu đúng sự thật thì “đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở Hà Nội”(1).
 
    Sau khi sáng lập “Hội giúp binh sĩ bị nạn” và Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn vinh là Chủ tịch danh dự của hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn dân tham gia hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sĩ”. Giữa bộn bề công việc, lo lãnh đạo quân, dân ta phá tan cuộc “tấn công mùa đông” của thực dân Pháp lên Chiến khu Việt Bắc, tổ chức kháng chiến toàn dân, toàn diện suốt từ Bắc chí Nam, Bác Hồ cùng Trung ương vẫn ban hành các chủ trương, chính sách chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ. Chính phủ ban hành chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ, có chính sách “ưu đãi các chiến sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ’... Ngày 08-01-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ, cứu thương với tấm lòng cảm thông và thán phục: “Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước. Nay đã bị thương mà còn mong mỏi ra sát địch ở trận tiền. Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”(2). Ngày 10-7-1947, cơ quan Thương binh và Cựu binh (sau đổi thành Bộ Thương binh) được thành lập. Từ tháng 6-1947, từ Phủ Chủ tịch đầu tiên ở “Thủ đô gió ngàn” trên đồi Khau Tý, ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”. Từ ý tưởng, chủ trương đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban vận động “Ngày Thương binh” được thành lập. Đồng chí Lê Thành An, nguyên Phó trưởng Phòng Thương binh, Cục Chính trị nhớ lại: Sau khi Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập, vào khoảng 07 giờ tối một ngày đầu tháng 7-1947, khoảng 20 người trong Ban vận động họp tại nhà một người dân tại xã Lục Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, do đồng chí Lê Tất Đắc, Phó Chính trị Cục, Bộ Quốc phòng phụ trách công tác tuyên truyền và hậu phương binh sĩ, chủ trì. Cùng dự họp có đồng chí Trần Huy Liệu, Tổng bộ Việt Minh; đồng chí Hoàng Tuấn, Nha Thông tin; đồng chí Nguyệt Tú, đại diện Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc; đồng chí Đào Duy Kỳ, đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc và một số đồng chí khác nữa. Sau khi bàn bạc, mọi người thống nhất chọn ngày 27-7-1947 (có ba con số 7 cho dễ nhớ) làm Ngày Thương binh, để báo cáo lên Trung ương và Bác Hồ. Ngay sau đó, đồng chí Lê Tất Đắc cao hứng ứng tác:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Hai bảy, tháng bảy nhớ Ngày Thương binh”.
 
    Đồng chí Lê Tất Đắc còn khéo vận dụng ca dao để phổ biến, tuyên truyền chủ trương hưởng ứng Ngày Thương binh:
“Bữa ăn chín cũng như mười
Mỗi nhà nuôi lấy một người thương binh”.
 
    Chữ “lấy” bổ nghĩa cho chữ “nuôi” còn ý nghĩa sâu xa nữa là kết duyên với thương binh. Bởi vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có rất nhiều chị em phụ nữ tình nguyện lấy các chiến sĩ thương binh làm chồng.
 
    Trước khi Ngày Thương binh chính thức được công nhận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Thường trực Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Bức thư có đoạn viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.
 
    Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
 
    Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn một bữa ăn, để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp chiến sĩ bị thương.
 
    Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ lòng yêu mến thương binh.
 
    (...) Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm sẻ áo của đồng bào ta, tôi tin chắc rằng: “Ngày Thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đ)”(3).
 
    Bác Trần Văn Phúc, cán bộ hưu trí, ở phố Đình, thị trấn Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn thời kỳ ấy, kể lại:
 
    Vào hồi 07 giờ sáng ngày 27-7-1947, tôi được đồng chí Hồ Công Luận, Chủ tịch xã, giao nhiệm vụ:
 
    - Hôm nay cấp trên tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, anh và các đồng chí bộ đội lo khánh tiết, kỳ đài để tổ chức buổi lễ. 
 
    Tôi đưa các anh bộ đội vào khu vực xã Bàn Cờ để dọn dẹp xung quanh gốc đa và bãi mít tinh. Tôi đi mượn cái án thư của cụ Từ Liêm làm bàn cho Ban Tổ chức. Khu vực kỳ đài, ở ngay dưới gốc đa có treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ và khẩu hiệu “Lễ công bố Ngày Thương binh toàn quốc”. Lúc bấy giờ cây cối xung quanh địa điểm tổ chức Lễ mít tinh còn rậm rạp, tiện cho việc giữ bí mật. Tự vệ, bộ đội đào sẵn nhiều hầm hào tránh bom. Đại biểu đoàn thể, bộ đội tập hợp thành từng khối, nhân dân các xã Lục Ba, Minh Tiến, Yên Lãng, Hùng Sơn đứng xung quanh...”.
 
    Đồng chí Lê Tất Đắc, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người chủ trì buổi mít tinh hôm đó kể lại:
 
    - Vào 06 giờ tối ngày 27-7-1947 bắt đầu buổi mít tinh. Có khoảng 300 đại biểu tham dự. Tôi thay mặt Ban Tổ chức đọc Thư của Bác Hồ gửi nhân Ngày Thương binh toàn quốc. Đồng chí Lê Tỵ, đại biểu thương binh phát biểu. Bà Ba Huy (tức Nguyễn Thị Đích), Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc xã Lục Ba (nơi có trại an dưỡng số 1, thành lập tháng 6-1947, dành cho thương binh, người hăng say vận động phụ nữ giúp đỡ bộ đội, thương binh), phát biểu nói lên tình cảm, trách nhiệm của phụ nữ và nhân dân đối với thương binh (sau này bà Ba Huy được Bác Hồ gửi thư khen). Buổi mít tinh kết thúc trong tiếng hô vang dậy: “Hồ Chủ tịch muôn năm”; “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Bắt đầu từ đó, Ngày Thương binh 27-7-1947 trở thành ngày mà tất cả mọi người dân, mọi cơ quan, đoàn thể trong nước bày tỏ tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ”.
 
    Tháng 7-1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với thắng lợi to lớn, đồng thời cũng không ít bộ đội ta thương vong, nhiều gia đình đã mất đi người con, người chồng, người cha, người thân yêu của mình. Để nhớ ơn các thương binh, gia đình liệt sĩ, theo đề nghị của Bác Hồ, Chính phủ ta và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề binh sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Và từ năm 1955, ngày 27-7 (Ngày Thương binh toàn quốc) đã được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ. 
 
    Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, (27-7-1947 - 27-7-1997) tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời và lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu kỷ niệm 27-7 và dựng bia kỷ niệm với nội dung được khắc trên bia: “Nơi đây, ngày 27-7-1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Cũng tại nơi này, vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã được Nhà nước ta công nhận là “Di tích lịch sử quốc gia”.
 
    Ngày nay, 68 năm sau, Khu Di tích lịch sử quốc gia, nơi lần đầu tiên công bố, mít tinh chào mừng Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn còn đó những nhân chứng, vật chứng sống cho một truyền thống mới của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Tại đây vẫn còn cây đa cổ thụ xum xuê, tươi tốt. Mọi người ở đây thường vẫn gọi đó là “Cây đa 27-7”.
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.4, tr.435.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.13.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.5, tr.175, 176.

Vũ Bình Minh
(Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội)

;
.