Thứ Tư, 27/11/2024, 19:21 [GMT + 7]
.
.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ Sáu, 17/04/2015, 11:40 [GMT+7]

(BNCTW) - Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội cho ý kiến vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2015).

Sau hơn 14 năm thi hành, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, kể từ sau khi BLHS năm 1999 được ban hành, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt. Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nội dung cơ bản là ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này đã làm cho BLHS hiện hành trở nên bất cập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

1. Về vấn đề quy định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành

Quan điểm không đồng tình mở rộng nguồn luật hình sự trong một số đạo luật chuyên ngành cho rằng: Thứ nhất, quá trình hoàn thiện pháp luật hình sự ở nước ta từ năm 1985 đến nay cho thấy công tác lập pháp hình sự đã khắc phục được tình trạng quy định tản mạn, rải rác các hành vi tội phạm và hình phạt ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Pháp luật hình sự Việt Nam đã đạt trình độ cao về pháp điển hoá; Thứ hai, các quy phạm pháp luật hình sự tội phạm và hình phạt liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người, bởi vậy, cần phải được pháp điển hóa thống nhất và duy nhất trong BLHS; Thứ ba, về mặt lập pháp, quy trình và thời gian sửa đổi, bổ sung tội phạm và hình phạt trong một đạo luật chuyên ngành cũng tương tự việc sửa đổi, bổ sung BLHS.

Bộ Quốc phòng đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Bộ Quốc phòng đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Ngược lại, quan điểm đồng tình vấn đề quy định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành cho rằng, về cơ bản, tội phạm và hình phạt vẫn phải được quy định trong BLHS. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách kịp thời, linh hoạt, đặc biệt là đối với một số tội phạm trong lĩnh vực cụ thể có tính chất chuyên môn cao như: tội phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ cao; tài chính, bảo hiểm,... thì Bộ luật cần ghi nhận về mặt nguyên tắc cho phép quy định tội phạm và hình phạt trong một số đạo luật chuyên ngành để tạo điều kiện quy định cụ thể hơn các hành vi phạm tội đặc thù trong từng lĩnh vực cũng như cập nhật được những hành vi phạm tội mới khi Quốc hội xem xét ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các đạo luật chuyên ngành mà không cần phải sửa đổi BLHS. Điều này cũng góp phần bảo đảm tính ổn định của BLHS với tính cách là văn bản mang tính pháp điển hóa cao.

2. Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến đồng tình cho rằng qua thực tiễn xử lý các vụ việc điển hình trong thời gian qua cho thấy những khó khăn, vướng mắc và hạn chế hiện nay trong việc giải quyết các vi phạm pháp luật của pháp nhân bằng biện pháp hành chính và dân sự. Việc xử lý hình sự sẽ được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng mang tính chuyên nghiệp cao, với trình tự, thủ tục tư pháp chặt chẽ, minh bạch, sử dụng các chế tài mạnh mẽ, các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu trong việc chứng minh các hành vi vi phạm và xác minh mức độ thiệt hại do pháp nhân gây ra. Thực tế trong những năm qua đã xảy ra những vụ việc do pháp nhân thực hiện gây hậu quả hết sức nghiêm trọng như vụ của Công ty Vedan, vụ công ty Nicotex (Thanh Hóa), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe sự vi phạm nên cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn sự vi phạm này. 

Tuy nhiên, ý kiến không đồng tình cho rằng những vướng mắc trong việc xử lý đối với các pháp nhân vi phạm pháp luật xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện, mà không phải do thiếu cơ sở pháp lý. Việc đặt ra trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể gây ảnh hưởng bất lợi trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động ngay tình, họ không có lỗi. Ngoài ra, không nên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vì theo quan niệm truyền thống thì chỉ truy cứu TNHS đối với cá nhân.

3. Về hạn chế hình phạt tử hình

Giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự nước ta. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta. Vì vậy, việc tiếp tục giảm hình phạt tử hình nhận được sự đồng thuận tuyệt đối trong quá trình xây dựng dự án BLHS (sửa đổi).

Đối với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với Tội vận chuyển ma túy: nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện nay, chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này. Bởi thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp ma túy được vận chuyển với quy mô rất lớn, có tổ chức chặt chẽ, hoặc có tính chất xuyên quốc gia, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, nên việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này sẽ không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa nói chung. Thay vào đó, đề nghị trong BLHS cần quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình đối với tội danh này như định hướng sửa đổi, bổ sung Điều 35 của BLHS.

Ngoài ra, các ý kiến đều đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với Tội nhận hối lộ và Tội tham ô tài sản, vì đây là 2 tội nặng nhất trong các tội về tham nhũng. Trong thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng những sơ hở của pháp luật, lợi dụng sự tín nhiệm, quyền hạn được giao đã phạm tội hết sức nghiêm trọng, gây thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, nên việc duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này là cần thiết, sẽ có tác dụng răn đe cao, là sự thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.  

4. Về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này. Nếu chờ để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu, không hiệu quả và hầu như tội này không được xét xử trên thực tế. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước như Đức, Nhật,...

Theo loại ý kiến thứ hai thì cần phải cân nhắc hết sức thận trọng việc bổ sung quy định này bởi lẽ: Thứ nhất, đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn (từ không tù trở thành tù); Thứ hai, nếu chuyển đổi thì tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu, đặc biệt là tỷ lệ chuyển tiền thành tù và trong trường hợp khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù; thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi như thế nào cần phải được làm rõ; Thứ ba, quan hệ giữa quy định này với quy định của BLHS về tội không chấp hành án và quy định của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án cũng cần phải được làm rõ.

5. Về việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Việc bổ sung quy định về áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng) đối với người chưa thành niên phạm tội là phù hợp với chủ trương nhân đạo hóa trong chính sách hình sự nói chung và đối với người chưa thành niên nói riêng, với tinh thần Công ước quyền trẻ em cũng như xu hướng chung trong chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội của nhiều nước trên thế giới.

Tuy nhiên, quan điểm không đồng tình cho rằng, việc bổ sung quy định về áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng) đối với người chưa thành niên phạm tội là chưa phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà tình hình tội phạm người chưa thành niên đang diễn biến phức tạp và cho chiều hướng gia tăng. Hơn nữa, hành vi phạm tội có tính chất, mức độ nguy hiểm xã hội cao, do vậy, liệu việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng mang tính xã hội đối với trường hợp phạm tội có phù hợp và hiệu quả hay không?.

6. Về việc phi hình sự hóa tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS hiện hành)

Ý kiến không đồng tình bỏ Điều 165 BLHS hiện hành cho rằng, chúng ta phải tiếp tục cụ thể hóa các hành vi phạm tội trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể nhưng vẫn cần tiếp tục duy trì tội danh này vì không thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế, nếu bỏ tội danh này thì có những trường hợp phạm tội chúng ta không thể xử lý được và như vậy sẽ bỏ lọt tội phạm.

Ý kiến ngược lại cho rằng nên bỏ Điều 165 BLHS hiện hành, bởi các lý do như sau: Thứ nhất, Thực tiễn áp dụng tội danh này cho thấy hai xu hướng: (1) Xu hướng lạm dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng khó hoặc không chứng minh được một tội phạm kinh tế khác thì có thể chuyển sang áp dụng Điều 165; (2) Xu hướng giảm nhẹ TNHS, các trường hợp phạm tội liên quan đến chức vụ, tham nhũng có thể được chuyển sang Điều 165 để xử lý; Thứ hai, Về quan điểm giữ lại tội danh này bởi vì không thể cụ thể hóa được tất cả các vi phạm trong quản lý kinh tế. Tuy nhiên, việc quy định không hết các trường hợp là thuộc trách nhiệm của Nhà nước và không chỉ vì lo sợ bỏ lọt tội phạm mà có thể dẫn đến tùy nghi trong việc áp dụng - đây chính là một trong những tinh thần của Hiến pháp 2013.

Nguyễn Hà Thanh

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.