Vai trò Bộ luật dân sự của Pháp trong sự hình thành và phát triển án lệ
Thứ Năm, 30/04/2015, 01:42 [GMT+7]
Bộ luật dân sự của Pháp được ban hành ngày 21-3-1804, trong suốt hai thế kỷ tồn tại sau đó, Bộ luật này đã cho phép án lệ phát triển mạnh mẽ trên cơ sở hoạt động giải thích, củng cố và sáng tạo pháp luật của Thẩm phán. Đặc biệt, thời kỳ từ năm 1850 đến năm 1950 được gọi là “thời kỳ vàng son của án lệ”. Trong thời kỳ này, để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc giải thích và bổ sung luật, Thẩm phán đã xây dựng được một tập hợp án lệ rất quan trọng. Trong bài viết này, xin giới thiệu khái quát các lý do của sự hình thành và phát triển án lệ, giới hạn và giá trị pháp lý của án lệ và vai trò của Thẩm phán trong việc phát triển án lệ dân sự tại Cộng hòa Pháp.
|
1. Các lý do cơ bản cho việc án lệ được hình thành và phát triển sau khi Bộ luật dân sự ra đời
Thứ nhất là, bản thân kết cấu của Bộ luật dân sự
Mặc dù Bộ luật dân sự là kết quả của công tác pháp điển hóa, nhưng Bộ luật này là một bộ luật có tính nhân dân (mọi người đều có thể tiếp cận) chứ không phải là một bộ luật bác học (chỉ dành cho các nhà chuyên môn). Bộ luật chủ yếu quy định các nguyên tắc cơ bản của pháp luật và các nguyên tắc xã hội trên cơ sở quyền tự do, quyền bình đẳng, gia đình, quyền sở hữu,… mà không nhất thiết phải đi vào chi tiết. Do đó, trong trường hợp cần thiết, thì phải có sự đánh giá của Thẩm phán và đó chính là việc giải thích pháp luật.
Thứ hai là, ý chí của các nhà lập pháp xây dựng Bộ luật dân sự
Ngay từ trong quá trình soạn thảo Bộ luật, các nhà lập pháp đã mong muốn Bộ luật có thể sống, tồn tại và phát triển tốt nhờ vào sự can thiệp của Thẩm phán, bởi vì theo Portalis(1) nhận định: “Khi một đạo luật quy định không rõ ràng thì nhiệm vụ của Thẩm phán là phải nghiên cứu nó. Thẩm phán còn có nhiệm vụ bổ sung đạo luật đó nếu thấy nó không đầy đủ hay trong trường hợp luật hoàn toàn không quy định. Nếu bạn từ chối trao quyền hạn này cho Thẩm phán thì cũng có nghĩa là toàn bộ các tòa án đều bị cấm hoạt động”.
Thứ ba là, sự phát triển của xã hội
Sự phát triển và thay đổi trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, kỹ thuật và cả chính trị là những thách thức đối với tất cả các quy phạm pháp luật nói chung và Bộ luật dân sự nói riêng. Việc này đòi hỏi Bộ luật dân sự phải có sự thích ứng, thay đổi để tránh bị lạc hậu. Tại Pháp, sự phát triển đó là hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp, của sự hình thành một số giai cấp cần lao mới, sự phát triển của giao thông và cả những đòi hỏi về quyền bình đẳng. Trong khi đó, các nhà lập pháp có thể còn chưa lường trước đầy đủ các vấn đề khi họ xây dựng các quy phạm điều chỉnh quan hệ dân sự. Do vậy, việc giải thích và bổ sung luật của Thẩm phán trên cơ sở xây dựng các án lệ là một bổ sung cần thiết và quan trọng.
Cuối cùng là, yếu tố pháp luật quốc tế
Đây là lý do hiện nay vẫn còn tính thời sự và ngày càng được tăng cường. Việc pháp luật quốc tế (mà chủ yếu là pháp luật của Liên minh châu Âu) đã hòa trộn vào trong hệ thống pháp luật của Pháp, dựa vào việc giải thích các điều ước và các quy phạm pháp luật quốc tế bởi các tòa án của Pháp, qua đó Thẩm phán đã có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc áp dụng pháp luật Liên minh châu Âu.
2. Giới hạn và giá trị của án lệ tại pháp
Giới hạn của án lệ
Bản chất và hệ quả của án lệ đã được nghiên cứu rất nhiều từ khi Bộ luật dân sự ra đời. Portalis đã nói: “Cần phải có án lệ vì luật không thể giải quyết hết mọi vấn đề trong lĩnh vực dân sự”. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự cũng đã đưa ra một số giới hạn nhất định đối với một số quy định, không cho phép phát triển án lệ: Điều 5 Bộ luật dân sự quy định: “Cấm các thẩm phán đặt ra những quy định chung và có tính lập quy để tuyên án đối với những vụ kiện được giao xét xử”. Quy định cấm trên đây còn được nhắc lại tại Điều 1351 của Bộ luật dân sự, theo đó bản án chỉ có hiệu lực pháp luật “đối với một vụ việc tranh chấp…, phải là cùng một yêu cầu, dựa trên cùng một căn cứ, giữa cùng các bên tranh chấp mới được coi là cùng một vụ việc”. Nói chung, án lệ không tạo thành một quy tắc pháp luật và không được coi là nguồn luật chính thức(2). Vì vậy, Thẩm phán không được viện dẫn án lệ như là một quy tắc pháp luật và cũng không được quy chiếu đến các quy tắc đã được thiết lập trước đó làm căn cứ cho quyết định của mình. Nói cách khác, án lệ mang tính chất tham khảo, Thẩm phán không có nghĩa vụ bắt buộc phải tuân theo án lệ.
Tương tự như vậy, thay đổi án lệ là một sự kiện (có thể biết trước, nếu không thì cũng phải dự đoán được từ trước) bởi vì đương sự buộc phải chấp nhận sự thay đổi của án lệ ngay cả khi sự thay đổi đó phải có hiệu lực hồi tố (điều này không giống với luật). Giá trị của án lệ Mặc dù có những cản trở và giới hạn như trên, ý nghĩa quan trọng của án lệ đã được thừa nhận và được chứng minh bằng chính lịch sử phát triển của Bộ luật dân sự. Thật vậy, án lệ có một quyền lực hết sức quan trọng và vai trò sáng tạo của nó đã góp phần vào việc hình thành nhiều chế định trong hệ thống pháp luật của Pháp. Khi xét xử, để bảo đảm sức thuyết thục, các thẩm phán thường tuân theo án lệ của Tòa án cấp cao hơn.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, án lệ không phải là tác phẩm riêng của người thẩm phán đã ra quyết định xét xử. Một án lệ đã được sử dụng nhiều lần bởi các thẩm phán và Tòa án thì án lệ đó phải được chấp nhận, áp dụng trên thực tiễn và phải được những người hành nghề luật khác (thừa phát lại, công chứng viên, luật sư của các doanh nghiệp, công ty bảo hiểm) sử dụng, ngay cả bên ngoài khuôn khổ phòng xét xử. Và án lệ phải được thảo luận, làm cho phong phú thêm, đề xuất hay phản đối bởi các chuyên gia luật.
Vì những lý do đó người ta cho rằng một khi một án lệ đã được hình thành và ổn định, thì những người hành nghề luật phải có nghĩa vụ công nhận án lệ. Hơn nữa, việc phổ biến án lệ còn là nhiệm vụ của Nhà nước. Kể từ năm 2000, án lệ đã được Pháp đăng tải miễn phí trên mạng Internet(3). Trang điện tử này công bố phán quyết của các tòa án (không kèm theo lời bình) cùng với tất cả các bộ luật và luật nhằm giúp người dân tiếp cận và hiểu được pháp luật.
3. Vai trò của thẩm phán trong việc giải thích luật và phát triển án lệ để bảo đảm thực thi Bộ luật dân sự
Phương pháp áp dụng quy phạm tương tự
Trong hệ thống pháp luật nào cũng vậy, vai trò của Thẩm phán là giải quyết tranh chấp về quyền lợi ở mọi cấp độ của xã hội, giữa mọi chủ thể (thể nhân, pháp nhân tư hay pháp nhân công quyền), đồng thời,
thông qua hệ thống các tòa án hình sự, Thẩm phán còn bảo đảm việc áp dụng các chế tài được quy định trong luật để nói lên việc nào được phép làm, việc nào không được phép làm.
Trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao cho, Thẩm phán áp dụng quy tắc chung cho một trường hợp đặc biệt thông qua phương pháp áp dụng quy phạm tương tự (syllogisme), xuất phát từ chỗ nhận định sự việc đến chỗ áp dụng pháp luật cho sự việc đó: Khi xem xét các tình tiết do các bên trình bày, Thẩm phán phải hiểu, giải thích và giải quyết các tình tiết đó. Sau đó, Thẩm phán phải suy luận để tìm ra vấn đề chính, quyết định áp dụng quy phạm nào đối với sự việc đó, gán sự việc đó với một trường hợp tương tự nào đó khác theo phương pháp áp dụng tương tự pháp luật. Áp dụng quy phạm tương tự là một biện pháp lựa chọn phương pháp giải quyết một sự việc bằng một quy tắc nào đó.
Thẩm phán với Bộ luật dân sự của Pháp Quay trở lại Bộ luật dân sự của Pháp, đây là Bộ luật tổng hợp các hệ thống pháp luật và thủ tục tố tụng tư pháp của thời kỳ Cách mạng Pháp, thể hiện niềm tin vào pháp luật và đặc biệt là luật tư pháp nhằm ổn định trật tự xã hội, vì như Portalis đã nói: “Bộ luật dân sự cần phải duy trì và bảo đảm tất cả các mối quan hệ trong xã hội”. Bộ luật dân sự ngay lập tức đã thể hiện quan điểm của mình về mối quan hệ giữa Thẩm phán với pháp luật trong hai điều luật rất nổi tiếng: Điều 4 của Bộ luật dân sự quy định: Thẩm phán mà từ chối xét xử, với lý do pháp luật không quy định, quy định không rõ ràng hay không đầy đủ, thì có thể bị truy tố vì tội từ chối xét xử.
Điều 5 của Bộ luật dân sự quy định: Cấm Thẩm phán giải quyết các vụ việc mà mình được giao bằng cách ban hành các quy phạm có hiệu lực áp dụng chung. Nói đến Thẩm phán với Bộ luật dân sự là nói đến việc giải thích luật của Thẩm phán, nghiên cứu công tác xây dựng án lệ và tìm hiểu về định hướng phát triển trong tương lai. Thẩm phán ban hành một phán quyết (có giá trị như một quy phạm pháp lý) để giải quyết tranh chấp, tuân theo những quy tắc về thủ tục tố tụng. Trong pháp luật Pháp, Thẩm phán có hai nghĩa vụ cơ bản: Nghĩa vụ thứ nhất quy định tại Điều 4 của Bộ luật dân sự nêu trên, Thẩm phán phải xét xử, nghĩa là phải ra một quyết định, cho dù quy phạm chung được viện dẫn là gì. Có thể nói là Thẩm phán không được từ chối xét xử chỉ vì “Luật không quy định, quy định không rõ ràng hay không đầy đủ”, qua đó đã nhấn mạnh đến nghĩa vụ cơ bản của Thẩm phán đó là đem lại công lý cho những người đã tìm đến mình.
Nghĩa vụ thứ hai là nêu rõ căn cứ quyết định của mình bằng văn bản khi giải quyết các vấn đề mà mình được giao. Như vậy, dù là trong lĩnh vực dân sự hay hình sự, Thẩm phán đều có nghĩa vụ xét xử và để xét xử thì Thẩm phán phải áp dụng các quy phạm có hiệu lực chung, phải nêu rõ căn cứ quyết định của mình. Khi thực hiện các nghĩa vụ đó, Thẩm phán thường xuyên phải giải thích luật khi quy định của luật tối nghĩa, không rõ ràng, không chắc chắn hay trong trường hợp không có quy định, trong khi đó Thẩm phán không được làm trái với luật hay bổ sung luật.
Một số phương thức giải thích pháp luật góp phần phát triển án lệ Các nhà làm luật đưa ra trong Bộ luật dân sự một số khái niệm gọi là “quy phạm khung” hay cố tình tạo ra một số “điểm trống” cho phép Thẩm phán xác định giải pháp áp dụng cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, tại Điều 6 của Bộ luật dân sự quy định cấm “ký kết, thực hiện giao dịch dân sự trái với những quy định liên quan đến trật tự công và thuần phong mỹ tục”. Hay quy định tại Điều 1728 về hợp đồng thuê tài sản, Bộ luật dân sự quy định bên thuê có nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê cẩn thận “như tài sản của chính mình” (nguyên văn trong tiếng Pháp là: “Như một người cha tốt trong gia đình”).
Trong khi đó, luật không có định nghĩa thế nào là “trật tự công”, là “thuần phong mỹ tục” hay “người cha tốt trong gia đình”. Do đó, Thẩm phán phải đưa ra cách giải thích của mình tùy theo từng hoàn cảnh và từng thời kỳ, cũng như là phải đánh giá “lợi ích của gia đình” (các điều 217, 220 Bộ luật dân sự), hay thậm chí phải xác định tùy theo “các lợi ích có liên quan” (Điều 832 khoản 10 Bộ luật dân sự).
Đôi khi, nhà làm luật cho phép Thẩm phán sử dụng phương pháp lập luận có tính giải thích, như tại Điều 1156 và các điều tiếp theo về giải thích hợp đồng:
- Trong các hợp đồng, cần phải hiểu ý định chung của các bên giao kết hơn là xem xét nghĩa của từ.
- Nếu một điều khoản có thể được hiểu theo hai nghĩa thì phải hiểu theo nghĩa nào mà điều khoản đó có thể gây hiệu quả nhiều hơn.
- Các điều khoản của hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau sao cho ý nghĩa của điều khoản đó phải phù hợp với toàn bộ nội dung của hợp đồng… Hay theo quy định tại Điều 1578 về chấm dứt chế độ tài sản trong hôn nhân (dissolution du régime matrimonial), Thẩm phán có thể áp dụng tương tự pháp luật: “Sẽ áp dụng đối với yêu cầu này những quy định về phân chia tài sản theo quyết định của Tòa án đối với tài sản thừa kế và tài sản chung…”. Nhiều phương thức giải thích pháp luật khác cũng đã được đề xuất, áp dụng trên thực tế theo từng thời kỳ. Các phương thức giải thích đó đã góp phần phát triển hệ thống án lệ, là hệ thống có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Thẩm phán với Bộ luật dân sự.
(1) Jean-Étienne-Marie Portalis (1746-1807) là nhà chính trị và nhà lập pháp trong thời kỳ Cách mạng Pháp và Đệ nhất Đế chế. Vào năm 1800, ông và một số người khác được Napoleon Bonaparte giao nhiệm vụ xây dựng
Bộ luật dân sự của Pháp.
(2) Điều này là khác biệt cơ bản với án lệ của các nước theo thông lệ (Common Law) như Anh, Mỹ, Úc,… Án lệ tại các nước này được coi là một nguồn luật chủ yếu, bộ phận cơ bản quan trọng của hệ thống pháp luật; trong xét xử, Thẩm phán có nghĩa vụ pháp lý tuân theo án lệ. Tuy nhiên, Thẩm phán không phải tuân theo toàn bộ quyết định của Tòa án đi trước, mà chỉ tuân theo các quy tắc pháp lý được thể hiện ở các luật cứ chính (radio decidendi). Radio decidendi có nghĩa là lý do đưa ra quyết định, hay là “quy tắc pháp lý của vụ kiện” do Thẩm phán đưa ra để biện luận cho phán quyết của mình. Chỉ có quy tắc pháp lý được Thẩm phán áp dụng để giải quyết vấn đề pháp lý xuất hiện từ các sự kiện pháp lý của vụ kiện mới là án lệ. Còn việc phân tích sự kiện pháp lý không có tính chất bắt buộc tuân thủ với bất kỳ ai.
(3) Trang điện tử http://www.legifrance.gouv.fr |
Ths. Nguyễn Hà Thanh
(Chuyên viên, Ban Nội chính Trung ương)
;