Thứ Tư, 27/11/2024, 17:27 [GMT + 7]
.
.

Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 và tầm nhìn chiến lược đối với biển đảo

Thứ Năm, 30/04/2015, 02:02 [GMT+7]
    Mùa Xuân năm 1975, sau thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Trị - Thiên - Huế và Đà Nẵng, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4-1975. Thấu triệt tinh thần trên, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu 5 tổ chức lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam. 
 
    Đây là một quyết định kịp thời và sáng suốt, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn “hướng biển” của các cơ quan chỉ đạo chiến lược. Như vậy, cùng với việc chuẩn bị khẩn trương cho trận quyết chiến cuối cùng để giải phóng hoàn toàn miền Nam (trong tháng 4-1975), thì nhiệm vụ giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông mà Quân đội Việt Nam cộng hòa đang đóng giữ cũng được đặt ra hết sức cấp bách, đặc biệt là với một số đảo, quần đảo ở xa đất liền và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng như Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc… Vừa ở xa đất liền, việc giải phóng các đảo, quần đảo này lại hết sức phức tạp vì có yếu tố nước ngoài chi phối; nhất là vùng biển quần đảo Trường Sa thời điểm này đang có tàu chiến của một số nước hoạt động. Chính vì vậy, việc giải phóng các đảo, quần đảo vào thời điểm nào cho thích hợp, bằng cách nào hiệu quả nhất và giảm thiểu thương vong nhất cho bộ đội là một bài toán hóc búa mà cơ quan chỉ đạo chiến lược ở Tổng hành dinh phải tính toán
cân nhắc rất kỹ.
 
Đảo Trường Sa
Đảo Trường Sa
    Vùng biển Việt Nam có trên 4.000 đảo, quần đảo lớn nhỏ, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển.
Hai quần đảo này trước đây thường được gọi dưới cái tên chung là Bãi cát vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Đại Trường Sa, Vạn lý Trường Sa… Các nhà hàng hải và truyền giáo phương Tây quen gọi là Paracels, Parcels hoặc Pracels. Khoảng đầu thế kỷ XX, dựa vào thành tựu phát triển của ngành Hàng hải và trắc địa biển, cùng với kết quả nghiên cứu của các nhà khảo sát người Pháp, các quần đảo này mới được tách riêng biệt thành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa có hai nhóm đảo; nhóm phía Đông gồm có 08 đảo nhỏ và một số mỏm san hô, trong đó lớn nhất là các đảo Phú Lâm và Linh Côn (diện tích trên dưới 1,5 km2); nhóm phía Tây có khoảng 12 đảo, trong đó có các đảo như: Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ánh, Quang Hòa, Duy Mộng, Tri Tôn… Quần đảo Trường Sa bao gồm khoảng hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô, cách Khánh Hòa của Việt Nam khoảng 250 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc trên 600 hải lý; cách Đài Loan 960 hải lý. Đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa là Ba Bình (khoảng 0,6 km2); tiếp đến là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Thị Tứ, Loại Ta, Sinh Tồn, Vĩnh Viên, An Bang… Ngoài ra, còn nhiều đảo nhỏ và bãi
đá ngầm như: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Đá Lớn, Thuyền Chài… Việc khai thác, xác lập chủ quyền, quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện từ rất sớm. Ngay từ thời Vua Lê Thánh Tông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được đưa vào bản đồ của Đại Việt. Thời Nguyễn đã lập ra các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và các đội kiêm quản khác để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đáng nói là, quá trình này kéo dài và diễn ra liên tục. Khi thực dân Pháp hoàn thành công cuộc xâm lược Việt Nam, họ đã tiếp tục quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị quốc tế ở San Francissco (tháng 9-1951) với sự tham dự của đại diện 51 nước, tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận.
 
    Tháng 4-1956, Quân đội Việt Nam cộng hòa tiếp thu hai quần đảo này từ quân Pháp. Tuy nhiên, khi mà Quân đội Việt Nam cộng hòa mới tiếp thu được nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc lợi dụng lúc quân Pháp vừa rút đã cho quân ra chiếm nhóm đảo phía Đông và Đài Loan chiếm đảo Ba Bình của quần đảo này. Đầu năm 1974, lợi dụng tình hình bất ổn của Việt Nam cộng hòa, Trung Quốc tiếp tục cho quân xâm chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa lúc này đang do Quân đội Sài Gòn quản lý. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 1988, phía Trung Quốc lại ngang nhiên tiếp tục đánh chiếm một số đảo, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Điểm qua một số sự kiện lịch sử như vậy để thấy rằng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được xác lập từ rất sớm và cuộc đấu tranh nhằm thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam diễn ra liên tục, căng thẳng và quyết liệt. Quyết định giải phóng và làm chủ vùng biển, hải đảo trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 cũng là một sự tiếp nối của cuộc đấu tranh đó.
 
    Ngày 04-4-1975, thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải Quân chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. Bức điện nêu rõ: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên
cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”(1). Đây là bức điện đầu tiên của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chính thức tryền đạt mệnh lệnh giải phóng các đảo ngay trong tháng 4-1975. Tuy nhiên, do ý thức được đầy đủ nhiệm vụ nên ngay từ đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Hải quân cũng đã có sự chuẩn bị để tác chiến trên hướng biển khi thời cơ đến. Tư tưởng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đối với việc giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam như sau:
    - Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Đây là một địa bàn có ý nghĩa chiến lược về quân sự, chính trị và kinh tế. Quân đội Sài Gòn hiện đóng giữ một số đảo; còn một số đảo do quân đội một số nước chiếm giữ. Do vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa nên ở vùng biển này hiện có lực lượng hải quân một số nước lai vãng hoạt động.
    - Các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng đảo (Quân khu 5, Hải quân, Đặc công…) phải tích cực chuẩn bị để khi thời cơ đến nhanh chóng hành động, bảo đảm chắc thắng.
    - Đối với quần đảo Trường Sa, địch rút đảo nào thì phải chiếm giữ ngay đảo đó. Phải bám sát diễn biến tình hình, nếu phát hiện địch có biểu hiện hoang mang, dao động thì phải kịp thời tổ chức đánh chiếm ngay và phải bảo đảm chắc thắng. Khi địch lâm vào tình cảnh nguy khốn và Sài Gòn rúng động thì phải tranh thủ đánh chiếm giải phóng các đảo ngay. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề thời cơ, nhất là đối với việc giải phóng quần đảo Trường Sa. Quần đảo này nằm cách đất liền hàng trăm kilômét, tình hình vùng biển ở đây lại cực kỳ phức tạp; trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng đảo của ta mỏng, trang bị tàu thuyền, phương tiện đổ bộ của Hải quân lạc hậu, cũ kỹ… Nếu ta tổ chức đánh và giải phóng Trường Sa sớm, khi thời cơ chưa thực sự chín muồi, Sài Gòn - sào huyệt của chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hòa chưa bị “rúng động”, tinh thần của binh lính Sài Gòn đang chiếm giữ các đảo chưa bị sứt mẻ, sa sút thì tổn thất đối với bộ đội sẽ rất lớn, khó hoàn thành được mục tiêu đặt ra. Ngược lại, nếu ta đánh chậm (chỉ một chút) thì hải quân một số nước (đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa) nhân cơ hội “đục nước béo cò” sẽ đánh chiếm các đảo trước, đặt ta vào “việc đã rồi”. Thời cơ để giải phóng các đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa phụ thuộc vào bước chân thần tốc của các cánh quân đang hướng thẳng tiến vào sào huyệt cuối cùng của Việt Nam cộng hòa. Thời cơ đó xuất hiện và thực sự chín muồi khi cả một giải đất miền Trung cùng với vùng biển đảo ven bờ đã được giải phóng, quân đội Sài Gòn như “ong vỡ tổ” phải co cụm về lo lập các tuyến phòng thủ ở Phan Rang và Xuân Lộc để bảo vệ Sài Gòn từ xa.
 
    Ngày 09-4-1975, khi cuộc tiến công của chủ lực Miền vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn thì cũng là lúc Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Hải quân xuất quân giải phóng “H.1” (mật danh của đảo Song Tử Tây). Ngày 10-4, một Biên đội tàu vận tải của Đoàn 125 gồm các tàu 673, 674, 675 được lệnh tức tốc rời cảng Hải Phòng chỉ hướng Đà Nẵng. Sau khi nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị (bổ sung nhiên liệu, vũ khí, tiếp nhận lực lượng đặc công nước của Đoàn 126, bộ binh của Quân khu 5), mờ
sáng ngày 11-4-1975, Biên đội rời cảng Đà Nẵng thẳng hướng ra Trường Sa. Để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, các tàu đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, thủy thủ đoàn đều mặc sắc phục của ngư dân.
Sau một ngày hành trình gặp sóng to gió lớn, Tàu 674 bị hỏng máy. Để khỏi bỏ lỡ thời cơ, Ban chỉ huy Biên đội hội ý và quyết định cho Tàu 675 ở lại kèm Tàu 674 khắc phục sự cố; đồng thời, lệnh cho Tàu  673 tách đội hình nhanh chóng tiến về phía quần đảo Trường Sa. 4 giờ 15 phút ngày 13-4, Tàu 673 tiếp cận đảo Song Tử Tây (chậm một giờ so với dự kiến) nhưng do tiếp cận đảo quá cạn, trời lại gần sáng nên không kịp đổ bộ lên đảo. Tàu 673 phải lùi ra nép mình vào hai chiếc tàu buôn của nước ngoài đang neo đậu gần một hòn đảo do quân đội Philippines chiếm giữ chờ đến tối mới tổ chức đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. 1 giờ sáng ngày 14-4, Tàu 673 mới tiếp cận được đảo. Đến 4 giờ 30 phút tiến hành đổ bộ lên đảo. Lúc này, các tàu 674 và 675 sau khi khắc phục xong sự cố cũng vừa tới nơi, triển khai đội hình bảo vệ và hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ lên đảo. 5 giờ sáng ngày 14-4, các lực lượng đổ bộ và làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Đây cũng là hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng. Sau đó, Biên đội tàu đưa đội hình cơ động tiếp tục giải phóng đảo Sơn Ca. Tuy nhiên, lúc này trên vùng trời, vùng biển Trường Sa bắt đầu xuất hiện nhiều máy bay và tàu lạ.
 
    Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ thị một bộ phận ở lại chốt giữ đảo Song Tử Tây, lực lượng còn lại áp tải số tù binh (khoảng 40 người) về Đà Nẵng. Trong trận đánh này, hai chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, trong đó có một người hy sinh tại chỗ và một bị thương sau đó hy sinh trên đường trở về Đà Nẵng.
 
    Mất Song Tử Tây đồng nghĩa với việc hệ thống phòng thủ của quần đảo Trường Sa bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, mặc dù trong tình thế phải tập trung lực lượng cho nhiệm vụ phòng thủ chiến lược và bảo vệ các căn cứ Hải quân ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn vẫn phải cấp tốc điều hai tàu chiến từ căn cứ ở Vũng Tàu ra, tổ chức phản kích hòng lấy lại đảo Song Tử Tây. Tuy nhiên, trước sự hỗn loạn tràn sang cả lực lượng Hải quân thì hai tàu không giám tổ chức phản kích để lấy lại đảo Song Tử Tây mà co về tăng cường phòng thủ cho Sở chỉ huy trung tâm của quần đảo Trường Sa ở đảo Nam Yết. 
 
    Ngày 21-4-1975, phòng tuyến Xuân Lộc bị lực lượng quân giải phóng chọc thủng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Lúc này, tình trạng rã đám xuất hiện tại nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn, binh lính Việt Nam cộng hòa cả ở trên đất liền lẫn ngoài hải đảo đều rơi vào tâm trạng hoang mang lo sợ. Thời cơ để giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa đã đến. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Tiền phương Bộ Tư lệnh Hải quân ngay lập tức mở cuộc tiến công lần thứ 2 tiếp tục giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa. Biên đội tàu của Đoàn 125 đi lần này gồm các tàu 673, 675 và 641 chở Đội 1 của Đoàn 126 Đặc công và Tiểu đoàn 471 của Quân khu 5. Sau 03 ngày vượt sóng và đối phó với các tình huống xuất hiện bất ngờ trong quá trình tiếp cận mục tiêu, đêm 24-4, Tàu 673 định đổ bộ lên đánh chiếm đảo Nam Yết nhưng bất thành do gặp tàu khu trục của địch đi tuần. Tàu 673 buộc phải đưa lực lượng lui về đảo Song Tử Tây chờ thời cơ. Cùng thời điểm đó, Tàu 641 bí mật cơ động về hướng đảo Sơn Ca.
    
    Sáng ngày 25-4, các lực lượng đã đổ bộ thành công lên đảo. Mặc dù đối phương chống cự quyết liệt nhưng chỉ sau 02 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã giải phóng hoàn toàn và làm chủ hòn đảo này. Mất hai vị trí quan trọng là đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam cộng hòa cho một số tàu tuần dương và khu trục tăng cường quần thảo quanh các đảo Song Tử Tây và Sơn Ca nhưng trong tình cảnh rối loạn, binh lính hoang mang rệu rã sau những tin tức xấu từ đất liền liên tục được cập nhật, chúng không dám tổ chức phản kích. Sáng ngày 26-4-1975, quân Việt Nam cộng hòa quyết định rút bỏ đảo Nam Yết, đưa toàn bộ lực lượng về đảo Trường Sa. Không bỏ lỡ cơ hội, Sở chỉ huy tiền phương của Hải quân lập tức lệnh cho Tàu 673 nhanh chóng đưa lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo Nam Yết. Sáng ngày 27-4 làm chủ hoàn toàn đảo Nam Yết. Trưa 28-4, đổ bộ làm chủ hoàn toàn đảo Sinh Tồn. Để tiến công thần tốc của các cánh quân trên bộ, Tàu 673 tiếp tục đưa lực lượng thọc sâu xuống đảo Trường Sa - một trong những hòn đảo xa và quan trọng nhất của quần đảo Trường Sa. 9 giờ sáng ngày 29-4, các lực lượng đổ bộ đã làm chủ hoàn toàn hòn đảo này; đồng thời, cũng là kết thúc một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng mà Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và đích thân Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã tin tưởng giao cho bộ đội Hải quân, Quân khu 5 và Đặc công.
 
    Sau chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa kết thúc thắng lợi, ngày 30-4-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tiếp tục chỉ thị cho Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn lưu ý việc giải phóng và đưa số tù nhân từ các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc trở về đất liền. Một ngày sau đó, bộ đội Hải quân được lệnh ra giải phóng Côn Đảo. Tuy nhiên, khi lực lượng này còn đang trên đường ra đảo thì các chi bộ Đảng ở nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo tù nhân, mà nòng cốt là số tù nhân chính trị nổi dậy phá nhà lao tự giải phóng đảo. Thay vì ra giải phóng đảo, Biên đội tàu của Trung đoàn 125 đã đưa các tù nhân từ Côn Đảo trở về đất liền an toàn và kịp thời. Với đảo Phú Quốc - một hòn đảo có vị trí chiến lược cũng không kém phần quan trọng trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, quá trình giải phóng cũng diễn ra tương tự. Sáng ngày 30-4, khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn, hơn 8000 quần chúng nhân dân cùng với một số tù nhân tự phá khám đã nổi dậy chiếm các mục tiêu quan trọng trên đảo; đến chiều tối cùng ngày thì làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trên vùng biển Tây Nam còn có một số đảo được giải phóng muộn hơn chút ít. Đảo Thổ Chu được giải phóng vào đêm 23, rạng ngày 24-5-1975 và đảo Poulo Wai (gồm hòn Ông và hòn Bà) được giải phóng vào ngày 27-5-1975. Cả hai hòn đảo này đều được giải phóng từ tay của quân Pôn Pốt.
 
    Trước đó, vào 27-4, Hải đoàn 385 cùng lực lượng vũ trang huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) đã giải phóng hoàn toàn đảo Cù Lao Thu. Các hòn đảo gần bờ trên vùng biển phía Nam đều được Lực lượng vũ trang phối hợp với các lực lượng tại chỗ giải phóng và làm chủ ngay trong quá trình giải phóng quần đảo Trường Sa. Có thể thấy, việc nắm bắt thời cơ và quyết định tổ chức lực lượng giải phóng các đảo, đặc biệt là một số đảo ở xa bờ và có tầm quan trọng đặc biệt như quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc  trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là rất kịp thời và sáng suốt. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với biển, đảo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh… và ý thức về chủ quyền đối với vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc, của người dân Việt Nam.
(1) Tổng tập Võ Nguyên Giáp, Nxb Quân đội nhân dân, H.2014.
PGS, TS. Trần Việt Anh
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
;
.