Những nội dung cơ bản của Luật Căn cước công dân năm 2014
Thứ Hai, 24/11/2014, 10:11 [GMT+7]
(BNCTW) - Luật Căn cước công dân năm 2014 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ tám thông qua ngày 20-11-2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2016.
Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân và góp phần quản lý xã hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về căn cước công dân. Tuy nhiên, đến nay, các quy định này còn tản mạn, hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân liên quan đến căn cước công dân (quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình) được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm trong Hiến pháp 2013. Trong bối cảnh hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và cải cách hành chính đã đặt ra các yêu cầu phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ tám thông qua ngày 20-11-2014.
1. Bố cục của Luật Căn cước công dân
Luật Căn cước công dân gồm 6 Chương, 39 Điều.
- Chương I: Quy định chung gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân; các hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân gồm 2 Mục và 10 điều (từ Điều 8 đến Điều 13), quy định về yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân; thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; khai thác, cung cấp, trao đổi, sử dụng dữ liệu căn cước công dân.
- Chương III: Thẻ Căn cước công dân và việc cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân gồm 02 mục và 11 điều (từ Điều 18 đến Điều 28). Mục 1 quy định về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân; người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân; giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân; độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân. Mục 2 quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân; các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; thẩm quyền, trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ; nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ; thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân.
- Chương IV: Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân gồm 05 Điều (từ Điều 29 đến Điều 33) quy định về bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; người làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lệ phí cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
- Chương V: Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, gồm 4 điều (từ Điều 34 đến Điều 37) quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm của Bộ Công an, các Bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý căn cước công dân.
- Chương VI: Điều khoản thi hành gồm 02 điều (Điều 38 và Điều 39), quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
2. Những nội dung cơ bản của Luật Căn cước công dân
- Phạm vi điều chỉnh: Luật này chủ yếu quy định về hoạt động quản lý căn cước công dân, việc cấp, đổi, cấp lại và sử dụng Thẻ căn cước công dân; nhấn mạnh việc sử dụng Thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân, bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế; từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Việc bổ sung quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp, quản lý số định danh cá nhân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân.
- Tuổi cấp Thẻ căn cước công dân: Luật quy định cấp Thẻ căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên. Việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em dưới 14 tuổi vẫn được thực hiện. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quyền được khai sinh của trẻ em, phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp Giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh; phù hợp với bản chất của việc cấp Thẻ căn cước công dân – khi các đặc điểm nhân dạng của một cá nhân đã ổn định và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
- Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Luật đã quy định những thông tin cơ bản được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sử dụng thống nhất trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như họ, tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, nơi đăng ký khai sinh, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp… Những thông tin này do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện và quản lý nhằm mục đích kết nối, chia sẻ, sử dụng chung, bảo đảm tính thống nhất và chính xác về dữ liệu công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của cơ quan, tổ chức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các giao dịch liên quan đến người dân.
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân: Luật Căn cước công dân đã dành hẳn một Chương quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và làm rõ mối quan hệ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp các thông tin gốc, cơ bản về công dân, từ đó phát triển thẻ công dân điện tử để phục vụ hiệu quả cho công dân trong tham gia các giao dịch dân sự và góp phần đắc lực cho hoạt động quản lý của Nhà nước về dân cư. Cụ thể là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân; để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; sẽ giảm giấy tờ cho công dân (sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, mã số thuế cá nhân…).
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vừa đáp ứng cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu khai thác, sử dụng vừa phải bảo đảm tính bí mật đời tư theo quy định pháp luật. Do đó, Luật đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
- Một số nội dung cơ bản của Thẻ căn cước công dân:
+ Hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân: Pháp luật về căn cước công dân hiện hành quy định hạn sử dụng của giấy tờ về căn cước công dân là 15 năm, kể từ ngày cấp. Thực tế cho thấy, quy định này chưa phù hợp với công dân ở các độ tuổi khác nhau do ở mỗi độ tuổi thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhân dạng là khác nhau. Do đó, Luật quy định theo hướng: Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
+ Thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân: Luật quy định một số nội dung nhằm loại bỏ các giấy tờ không cần thiết khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Theo đó, công dân đến làm thẻ, cấp lại thẻ Căn cước công dân chỉ cần điền vào tờ khai cấp thẻ Căn cước công dân. Trường hợp đổi thẻ do thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng, xác định lại giới tính, quê quán hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ mà chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này.
+ Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân: Pháp luật hiện hành chỉ quy định công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân tại Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân ngày càng tăng của công dân, dự thảo Luật quy định công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân: Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, công dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định trên mà không phụ thuộc vào nơi cư trú. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho công dân, nhất là đối với những người đi làm ăn ở địa phương xa nơi thường trú của mình, họ có thể đến ngay cơ quan quản lý căn cước công dân nơi gần nhất để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân mà không nhất thiết phải trở về nơi thường trú để thực hiện.
+ Lệ phí cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân: Để bảo đảm tốt hơn quyền lợi chính đáng của công dân và phù hợp với pháp luật hiện hành về phí và lệ phí, Luật quy định theo hướng công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ lần đầu; được miễn, giảm lệ phí đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trong một số trường hợp quy định.
Ngoài những vấn đề nêu trên, để bảo đảm giá trị sử dụng của những Chứng minh nhân dân được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực, tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch, Luật quy định: Đối với Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì đổi sang thẻ Căn cước công dân. Đồng thời, để các địa phương có thời gian bảo đảm về cơ sở vật chất, nhân lực cho triển khai cấp thẻ Căn cước công dân theo công nghệ mới, dự thảo Luật cũng quy định: Khi Luật này có hiệu lực, địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và cán bộ quản lý căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.
Phương Thảo
;