Chương trình nâng cao năng lực tổng thể ngành Thanh tra tới năm 2014

Thứ Hai, 29/09/2014, 14:36 [GMT+7]
Thanh tra Chính phủ phối hợp với các nhà tài trợ vừa tổ chức kiểm điểm kết thúc Chương trình tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra tới năm 2014 (Poscis). 
Với mục tiêu “Xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”, chương trình Poscis do 4 nhà tài trợ Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan và Canada được đánh giá là một trong những dự án kỹ thuật có quy mô lớn nhất ngành Thanh tra về phạm vi hỗ trợ kỹ thuật, đối tượng thụ hưởng và nguồn kinh phí viện trợ. 
Chương trình triển khai vào tháng 12-2009, kết thúc vào tháng 9-2014, có sự tham gia của 10 cơ quan thanh tra: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra các Bộ: Tài chính, Công an, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư; Thanh tra các tỉnh: Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Dương, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh. Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ quản Chương trình. 
Một Hội nghị tập huấn giới thiệu, chia sẻ một số sản phẩm, quy trình có tính ứng dụng rộng rãi trong ngành Thanh tra
Một Hội nghị tập huấn giới thiệu, chia sẻ một số sản phẩm, quy trình có tính ứng dụng rộng rãi
trong ngành Thanh tra
Trong 5 năm thực hiện, từ mục tiêu chung, Chương trình Poscis đề ra 9 mục tiêu cụ thể: 1) Tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động thanh tra thông qua việc chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ thanh tra, thông qua việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ và thông qua việc phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý để trở thành động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước. 2) Tăng cường vai trò của ngành Thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, đổi mới mô hình tiếp dân theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hoàn thiện chính sách, pháp luật và chuẩn hóa các quy trình có liên quan. 3) Tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thông qua việc củng cố bộ phận chuyên trách và xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro. 4) Đổi mới công tác quản lý cán bộ nhằm thu hút nhân tài và tránh những rủi ro của tình trạng biến động đội ngũ cán bộ. 5) Đổi mới công tác nghiên cứu và đào tạo nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu khác. 6) Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát và các cơ quan Nhà nước khác trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. 7) Tăng cường quan hệ giữa ngành Thanh tra và công chúng theo hướng công khai, minh bạch. 8) Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, nghiệp vụ. 9) Xây dựng năng lực cho việc theo dõi, giám sát dựa trên kết quả để đánh giá tác động của các mục tiêu trước.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã hoàn thành 1072 hoạt động đầu ra, đạt tỷ lệ 94% số hoạt động đầu ra theo kế hoạch với tổng số vốn đã giải ngân 233.027.721.170 đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 85%. Hàng loạt các sản phẩm được xây dựng, từ công tác xây dựng thể chế như việc xây dựng, đánh giá, sửa đổi bổ sung Luật thanh tra, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng và Luật tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy trình nghiệp vụ… ; việc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tác nghiệp; việc đổi mới tổ chức, xây dựng bộ máy phù hợp, chuyên nghiệp, hiệu quả của công tác thanh tra.
Thanh tra Chính phủ đã tổ chức đánh giá, lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, có tính ứng dụng rộng rãi, hiệu quả để nhân rộng trong toàn ngành Thanh tra. Năm 2013, bước đầu giới thiệu 10 quy trình, sản phẩm và nhận được phản hồi tích cực: Thanh tra tài chính đối với dự án đầu tư xây dựng; thanh tra ngân sách huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra tài chính tại các doanh nghiệp; thanh tra dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; thanh tra công tác đấu thầu; thanh tra quản lý, sử dụng đất đai tại thành phố Hồ Chí Minh; và một số mô hình trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của thanh tra các tỉnh Hà Tĩnh, Kiên Giang, Khánh Hòa… Năm 2014, giới thiệu 04 sản phẩm, quy trình: quy trình, nội dung thanh tra về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức của Thanh tra Bộ Nội vụ; quy trình thanh tra công tác quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính và quy trình thanh tra các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước của Thanh tra Bộ Tài chính; xây dựng Hồ sơ lưu trữ dữ liệu điện tử về công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh; phần mềm hỗ trợ thanh tra xây dựng cơ bản của Thanh tra tỉnh Khánh Hòa.
Về cơ bản, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra với phương pháp tiếp cận cải cách hành chính và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2015, hoàn toàn phù hợp, tính khoa học và đồng bộ cao, ứng dụng hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả.
Minh Tâm
(TTCP)
;
.