Triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp

Thứ Năm, 11/01/2024, 09:35 [GMT+7]
    Trong năm 2023, Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 07 Đề án lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là, (1) Đề án Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; (2) Đề án: Sửa đổi Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao; (3) Đề án về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; (4) Đề án tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; (5) Đề án nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; (6) Đề án cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; (7) Đề án xây dựng báo cáo chuyên đề tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
 
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2023
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2023 (ảnh Đặng Phước)
    Nhất là đã nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xây dựng hơn 100 báo cáo, đề xuất Bộ chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo những chủ trương, chính sách lớn về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
 
    Các Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cấp ủy xây dựng, ban hành 2.758 văn bản để cụ thể hoá, thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Làm tốt công tác này, là các ban nội chính: Hà Nội, Sơn La, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Bên cạnh đó, toàn Ngành đã tích cực nghiên cứu, thẩm định, tham gia ý kiến có chất lượng đối với 2.018 đề án, văn bản quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương đã thẩm định, tham gia ý kiến đối với 110 đề án, văn bản quan trọng do các cơ quan chức năng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc gửi xin ý kiến. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã thẩm định, tham gia ý kiến đối với 1.908 đề án, văn bản quan trọng do các cơ quan chức năng trình xin ý kiến ban Thường vụ, Thường trực tỉnh ủy, thành ủy hoặc gửi xin ý kiến ban nội chính. Nhất là, đã nghiên cứu, tham gia sâu nhiều Đề án, văn bản quan trọng liên quan đến công tác đối ngoại, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023,... Tham gia ý kiến đối với các dự án luật, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Luật Căn cước, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và các dự án luật khác liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;.. Quan tâm công tác thẩm định, tham gia ý kiến về công tác cán bộ, đảm bảo khách quan, thận trọng và kịp thời. 
                                                                                    Thu Hiền
.