Tòa án nhân dân tối cao: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tiêu cực
Thứ Hai, 12/07/2021, 15:07 [GMT+7]
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của nhân dân, các Tòa án nhân dân đã có những bước phát triển vững chắc, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cùng với công tác nghiên cứu, hoàn thiện về tổ chức và hoạt động xét xử, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và các biện pháp đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong các Tòa án và coi đây là công tác thường xuyên nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thường xuyên chú trọng đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức, Thẩm phán; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng trong việc giám sát, kiểm tra, xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm; triển khai và hưởng ứng tích cực về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” trong các Tòa án nhân dân với chủ đề “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của Thẩm phán, công chức Tòa án nhân dân”, gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các Tòa án đã có những bước chuyển biến rõ rệt, cả từ trong nhận thức, suy nghĩ đến hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Tuy nhiên, tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi; còn có tình trạng cán bộ, công chức Tòa án vi phạm quy tắc nghề nghiệp, đặc biệt có những trường hợp vi phạm pháp luật hình sự làm ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án.
Phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân |
Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoạt động quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với nhận thức đó, trong hơn 05 năm qua, các Tòa án nhân dân thường xuyên tổ chức các hội nghị, ban hành các văn bản quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chỉ thị số 15-CT/TW, Chỉ thị 50-CT/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI và Kết luận số 21-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị 03-CT/TW, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Không chỉ dừng ở việc tổ chức hội nghị, ban hành các văn bản quán triệt, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác như lồng ghép vào các Hội nghị sơ kết, tổng kết, triển khai nhiệm vụ công tác; đưa vào chương trình các cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể ở cơ quan, đơn vị; thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ; đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Tòa án nhân dân như Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân. Đặc biệt, gắn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các hoạt động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động.
Báo Công lý thường xuyên đăng tải các tin bài về hoạt động xét xử tội tham nhũng của Toà án, các chủ trương của Đảng và văn bản pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các bài phản ánh, bình luận, điều tra về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan Nhà nước và nhân dân trên các chuyên trang của báo như: Thời sự pháp đình; Diễn đàn Pháp luật và Cuộc sống; Phóng sự - Điều tra; An ninh - Trật tự. Trong những năm qua, trung bình trong mỗi số xuất bản của báo Công lý có 01 tin và 02 bài (tổng cộng có khoảng 100 tin và 200 bài viết/01 năm) về các vụ việc tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn…, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài chính, đầu tư xây dựng…Ngoài các bài viết về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Tạp chí Tòa án nhân dân còn đăng tải các bài viết có tác dụng giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức của các Tòa án nhân dân. Do đó, việc phổ biến, quán triệt các Nghị quyết, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tiêu cực được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả trên phạm vi toàn hệ thống.
Nguyễn Văn Toàn
(Tòa án nhân dân tối cao)