Hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử
Thứ Ba, 29/09/2020, 16:33 [GMT+7]
Ngày 28/9, tại tỉnh Ninh Bình, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo tham vấn đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ. Đồng chí PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự hội thảo có đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân một số tỉnh, thành phố; các chuyên gia; các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, thời gian qua công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ có xu hướng gia tăng cả về số lượng, mức độ và quy mô; việc xét xử tội phạm tham nhũng thời gian qua đã đảm bảo đúng nguyên tắc xử lý tham nhũng quy định tại Điều 4 của Luật Phòng, chống tham nhũng và được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình, tạo bước đột phá mới trong công tác xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, không bao che, nương nhẹ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Quang cảnh Hội thảo |
Thông qua hoạt động xét xử, bên cạnh việc trừng trị tội phạm tham nhũng, các tòa án còn thực hiện triệt để việc thu hồi tài sản tham nhũng cho cơ quan, tổ chức, đồng thời kiến nghị giúp các cấp, ngành khắc phục những hạn chế, thiếu sót, góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản như: Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng phạm; các vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm; vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm...
Thực tiễn công tác xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ trong thời gian qua vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, xác định tội danh, đánh giá vai trò của các đối tượng trong vụ án đồng phạm; về xác định thiệt hại, trách nhiệm dân sự... Công tác thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, tỷ lệ tài sản thu hồi chưa được cao so với thiệt hại, hậu quả của tội phạm.
Để bảo đảm việc giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ đạt hiệu quả cao, đúng quy định của pháp luật, căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 41 của Quốc hội đã “giao Tòa án nhân dân tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định Bộ luật Hình sự năm 2015” và trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ.
Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia tham gia thảo luận, tập trung vào các vấn đề như: đề xuất một số nội dung cần hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết; công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong vụ án tham nhũng, chức vụ và kiến nghị nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết; những vấn đề cần hướng dẫn về công tác giám định trong các vụ án tham nhũng, chức vụ và góp ý dự thảo Nghị quyết.
Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận sâu vào các vấn đề cụ thể về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; một số từ ngữ sử dụng trong dự thảo Nghị quyết; vấn đề dân sự trong vụ án tham nhũng, chức vụ; xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước có hành vi tham nhũng; thời điểm xác định tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra; các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt...
Nguyễn Toàn