Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Thứ Tư, 11/12/2019, 07:15 [GMT+7]
    Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai. Nghị định quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm.
 
    Theo quy định tại Nghị định này, hình thức xử phạt khắc phục hậu quả gồm: Cảnh cáo, phạt tiền; các hình thức xử phạt bổ sung (như tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 6 tháng đến 9 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai từ 09 tháng đến 12 tháng); đồng thời Nghị định quy định 16 biện pháp khắc phục hậu quả.
 
Hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. (Ảnh minh họa)
Hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. (Ảnh minh họa)
    Nghị định cũng quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, quy định xử phạt đối với 29 hành vi.
 
    Nghị định quy định: Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức phạt như sau: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05ha; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05ha đến dưới 0,1ha; phạt tiền từ 5-15 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1ha đến dưới 0,5ha; phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5ha đến dưới 1ha; phạt tiền từ 30-70 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 1ha trở lên.
 
    Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05ha; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05ha đến dưới 0,1ha; phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1ha đến dưới 0,5ha; phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5ha đến dưới 1ha; phạt tiền từ 50-120 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 1ha trở lên.
 
    Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02ha; phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02ha đến dưới 0,05ha; phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05ha đến dưới 0,1ha; phạt tiền từ 15-40 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1ha đến dưới 1ha; phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5ha đến dưới 1ha; phạt tiền từ 60-150 triệu đồng đối với diện tích lấn, chiếm từ 1ha trở lên.
 
    Trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05ha; phạt tiền từ 20-40 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05ha đến dưới 0,1ha; phạt tiền từ 40-100 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1ha đến dưới 0,5ha; phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5ha đến dưới 1ha; phạt tiền từ 200-500 triệu đồng nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 1ha trở lên.
 
    Trường hợp sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
 
    Nghị định cũng quy định rõ, vi phạm quy định về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với trường hợp chậm cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra về đất đai sau 7 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp.
 
    Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với trường hợp cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đầy đủ theo yêu cầu (bằng văn bản) của người có trách nhiệm liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với trường hợp hết thời hạn yêu cầu mà không cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai của tòa án nhân dân và cơ quan hành chính các cấp.
 
    Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/01/2020, thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; bãi bỏ điểm đ khoản 3 và điểm i khoản 6 Điều 57 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ.
Thanh An
.