Vĩnh Long: Một số kết quả công tác tư pháp và cải cách tư pháp tháng 5/2022

Thứ Năm, 16/06/2022, 06:45 [GMT+7]
    Trong tháng 5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2020-2025; tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các ngành tư pháp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án không đế án tồn quá hạn luật định, không oan, sai, không bỏ lọt tội phạm.
 
    Ngành tư pháp đã thực hiện thẩm định 01 văn bản; đóng góp 21 văn bản của Trung ương và địa phương; tự kiểm tra 03 văn bản; cập nhật 01 văn bản quy phạm pháp luật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh, huyện đã tổ chức tuyên truyền chiều rộng trong Nhân dân được 408 lượt văn bản, với 1.909 giờ; tuyên truyền chiều sâu dược 502 cuộc, với 15.853 lượt người tham dự; sinh hoạt “Ngày pháp luật” có 238 đơn vị tổ chức được 272 cuộc, với 4.383 lượt ngươi tham dự; xây dựng kế hoạch kiểm tra kết quả thực hiện công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tại 08 huyện, thị, thành ủy và Sở Tư pháp tỉnh.
 
Ban pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Long giám sát việc thực hiện thông báo kết luận giải quyết tố cáo; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật tại UBND huyện Bình Tân (tháng 5/2022)
Ban pháp chế HĐND tỉnh Vĩnh Long giám sát việc thực hiện thông báo kết luận giải quyết tố cáo; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật tại UBND huyện Bình Tân (tháng 5/2022)
    Công an tỉnh đã bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự, quản lý tạm giữ, tạm giam kiêm Trưởng nhà tạm giữ Công an huyện Tam Bình; tăng cường đầu tư kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại cho hoạt động của cơ quan điều tra, thi hành án hình sự, cơ quan giám định tư pháp.
 
    Ngành Kiểm sát phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị trong công tác đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của ngành Kiểm sát nhân dân dân, bảo đảm nghiêm túc, đúng thồi hạn, có chất lượng theo đúng Kế hoạch số 88/KH-VKS, ngày 05/10/2017 về tăng cường công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 05/CT-VKSTC, ngày 14/9/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 
    Tòa án nhân dân hai cấp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng xét xử ở tòa án hai cấp, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp trên cơ sở xác định tiếp tục đối mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai đúng quy định của pháp luật; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp nhằm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; phát huy quyền dân chủ cho người dân khi có công việc liên quan đến Tòa án; tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình ủng hộ.
 
    Cơ quan Thi hành án dân sự bổ nhiệm 10 đồng chí ngạch chấp hành viên cao cấp, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính và kế toán viên cho cán bộ trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch; xét nâng lương thường xuyên, thâm niên nghề cho 04 đồng chí.
 
    Tổ chức biên chế và hoạt động của các cơ quan tư pháp đảm bảo theo quy định trên tinh thần cải cách tư pháp. Tổ chức và hoạt động của các chế định bổ trợ tư pháp, đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức giám định tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực... được đảm bảo thực hiện tốt theo quy định. Trong tháng 5/2022, các tổ chức giám định tư pháp đã thực hiện 98 vụ việc tập trung ở các lĩnh vực như: Giám định pháp y, tâm thần, giám định kỹ thuật hình sự và giám định thương tật khác. Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 4.810 văn bản các loại với tổng doanh thu 307,99 triệu đồng; đăng ký 19 vi bằng với tổng doanh thu 43,5 triệu đồng. Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 879 việc công chứng, chứng thực 1.348 bản sao và chứng thực chữ ký 18 việc, thu phí 210,4 triệu đồng.
 
    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp, tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ tư pháp; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp; công tác giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc... được thường xuyên quan tâm thực hiện tốt theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW5, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 84-KL/TW tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát phòng ngừa sai phạm trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, không để xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Tuệ Minh
.